Luật sư bàn pháp lý vụ người đi xe Lexus lấy điện thoại người đi xe máy

(PLO)- Theo luật sư, trong vụ người đi xe Lexus lấy điện thoại người đi xe máy, hành vi của nhóm người đi xe ô tô có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền đoạn video một nhóm người đi trên xe ô tô, trong đó có một xe Lexus giật điện thoại của một nam thanh niên. Sự việc diễn ra tại một địa điểm ở quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng.

Anh Q (đội nón bảo hiểm) bị nhóm đi trên ô tô khống chế. Ảnh: Cắt từ clip
Anh Q (đội nón bảo hiểm) bị nhóm đi trên ô tô khống chế. Ảnh: Cắt từ clip

Người được cho là bị giật điện thoại tên Lê Nguyễn Anh Q (30 tuổi, ngụ quận Ngũ Hành Sơn). Anh Q cho biết anh mua đất dự án của một công ty. Sau nhiều lần giải quyết về hợp đồng mua bán không thành, chiều 28-2, anh đến một địa chỉ ở phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà tìm nhưng không gặp chủ tịch HĐQT của công ty nên ra về.

Trên đường về, anh dừng xe nghe điện thoại thì có hai ô tô hiệu Lexus 570 và Toyota Inova ép sát phía trước và sau lưng xe máy của anh.

Sau đó nhóm người trên hai ô tô lấy chìa khóa xe máy, yêu cầu mở điện thoại và xóa ảnh chụp rồi đưa cho người ngồi trong ô tô xem.

Khi bị ép lên ô tô thì anh phản kháng; lúc này người đi ngang qua đã quay phim, hô hoán. Anh tiếp tục cự cãi, đòi lại điện thoại nhưng không được. Nhóm người trên chỉ vứt lại chìa khóa xe máy cho anh Q rồi lên ô tô bỏ đi.

Vậy hành vi của nhóm người giật điện thoại của anh Q có phạm tội hay không? Tội gì?

Luật sư Nguyễn Như Tuấn (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) nêu quan điểm: Theo như thông tin được đăng tải, diễn biến hành vi của nhóm người đi xe ô tô thể hiện mục đích nhằm lấy điện thoại của anh Q (vì trong đó có hình ảnh liên quan đến hoạt động của nhóm đối tượng). Việc lấy điện thoại (tài sản) là trái ý muốn của anh Q (bị hại).

Nhóm đối tượng này không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc để lấy tài sản (dấu hiệu khách quan của tội cướp tài sản) mà sử dụng bằng thủ đoạn khác như ép lên xe, dùng xe chặn trước và sau, tương quan lực lượng đông người so với một người, để từ đó buộc bị hại phải mở cốp xe lấy điện thoại và lên xe rồi đi. Đây là hành vi dùng thủ đoạn để uy hiếp tinh thần, buộc người có trách nhiệm về tài sản giao nộp tài sản.

Theo luật sư Tuấn, với chuỗi hành vi như trên, hành vi của nhóm người này có dấu của tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

***

Trên đây là nhận định của luật sư Nguyễn Như Tuấn. Còn theo bạn, hành vi trên có dấu hiệu tội phạm không? Đó là tội gì?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm