Đọc bài “Không thể so “ủy quyền” với “cò”” trên Pháp Luật TP.HCM ngày 10-6 tôi rất đồng tình và góp thêm một khía cạnh để thấy rằng giới luật sư đang còn gặp nhiều cái “khổ” khác. Đó là trường hợp nhiều luật sư đi cùng thân chủ tới tham gia hòa giải tranh chấp hoặc làm việc với ủy ban, sở, ngành thì bị làm khó làm dễ.
Tôi không nói cụ thể đơn vị nào làm khó luật sư vì có những chuyện tế nhị nhưng chuyện này xảy ra khá phổ biến, luật sư chúng tôi cứ kêu ca với nhau mãi.
Mấy tháng trước, thân chủ tôi không rành thủ tục nên gọi tôi cùng đi nộp chứng cứ ở một tòa án. Tôi xưng là luật sư đi cùng thì bị thư ký tòa mời ra ngoài ngồi vì thư ký bảo việc này thân chủ tôi và tòa cùng xử lý là được rồi. Tôi giải thích lý do vì sao tôi phải đi cùng nhưng thư ký nhất quyết không chịu. Để tránh căng thẳng, tôi đành ra ngồi chờ. Tuy nhiên, thân chủ tôi không yên tâm nên vào làm việc với tòa mà cứ điện thoại cho tôi mãi hỏi xem nộp chứng cứ thì có phải làm biên nhận không, tòa không ghi biên nhận thì phải làm sao. Tôi lại phải tư vấn từ xa. Tôi nghĩ nếu tôi có mặt ở đó thì việc đã không phức tạp.
Ngoài việc tham gia bào chữa, luật sư còn tham gia các dịch vụ pháp lý khác nhưng công việc này đang gặp không ít rào cản. Ảnh: HTD
Có lần đồng nghiệp của tôi kể ông được mời bảo vệ quyền lợi cho bà A. trong một vụ tranh chấp đất đai ở TP.HCM. Hôm ấy, phường mời đến hòa giải nên bạn tôi cùng tháp tùng thân chủ để nếu có gì thì động viên hai bên giải quyết xong cho rồi, ra tòa sẽ mất công. Cũng như tôi, bạn đồng nghiệp được nhân viên phường mời ra ngoài ngồi xơi nước. Bạn tôi bảo rất bực vì mình đi là để góp phần hòa giải thành ấy vậy mà không được hoan nghênh còn bị nói là chuyện của đương sự, luật sư can hệ vào làm gì. Tuy nhiên, bực mình là vậy nhưng bạn tôi cũng đành phải bấm bụng ngồi chờ.
Còn nhiều trường hợp khác nữa, chẳng hạn như luật sư đi nộp giấy tờ giúp thân chủ, tham gia các khiếu nại hành chính với thân chủ… cũng bị không ít nơi không tiếp!
Tôi nghĩ những trường hợp này xảy ra trước tiên là do tòa, các cơ quan chức năng chưa hiểu hết nghề nghiệp của luật sư. Người dân ít hiểu biết về pháp luật nên cần có luật sư đi theo để tham vấn và cũng là để ủng hộ tinh thần trước một quyết định nào đó mà họ chưa chắc chắn. Luật sư đi theo là có lợi chứ không có hại gì. Thế nhưng tâm lý của cán bộ là sợ luật sư vào sẽ làm rối thêm vấn đề vì luật sư cứ bắt bẻ này nọ.
Thứ nữa, theo tôi là hiện nay cán bộ công quyền chưa có thói quen làm việc theo pháp luật. Nhiều lần tôi chứng kiến người dân vào làm thủ tục giấy tờ ở cơ quan nhà nước thì bị cán bộ quát nạt, tỏ thái độ “xin cho”, “cửa quyền”. Lý ra họ phải hiểu mình đang phải phục vụ nhân dân, hưởng đồng lương từ thuế người dân. Ở nước ngoài, người ta khuyến khích người dân đi làm việc gì thì nên có luật sư đi kèm. Việc này giúp cho công việc trôi chảy hơn, đúng pháp luật hơn. Thiết nghĩ chúng ta cần phải thay đổi quan niệm để làm sao mọi vấn đề đều được giải quyết đúng pháp luật. Khi đó, việc luật sư tháp tùng thân chủ sẽ trở thành việc rất tự nhiên.
Cơ quan hành chính nhà nước gây khó khăn cho luật sư khi bảo vệ quyền lợi của đương sự có lẽ là vì họ ngại nếu làm sai quy định sẽ bị luật sư nhắc nhở, bị mất mặt trước người dân. PHAN NGUYEN (Công ty Đông Nam) Nếu thấy khó khăn quá thì luật sư và đương sự thỏa thuận với nhau luật sư sẽ làm đại diện theo ủy quyền. Khi đó, luật sư đàng hoàng vào làm việc với cơ quan nhà nước. Tranhaikim (haikimtran@...) Cần bỏ suy nghĩ luật sư sẽ gây rối cơ quan công quyền, tòa án hoặc luật sư làm việc vì tiền. Luật sư làm dịch vụ là sự thỏa thuận với đương sự. thỏa thuận này không ai cấm. Luật sư tham gia thì thân chủ của họ và cả cơ quan nhà nước, tòa án, VKS… đều có lợi. NGỌC HIỆP (Chung cư Nhiêu Lộc, đường Võ Công Tồn, |
Luật sư LÊ NGỌC CẢNH, Đoàn Luật sư TP.HCM