Phát sóng trên HTV3 lúc 21 giờ từ thứ hai đến thứ năm hằng tuần, bộ phim Dù gió có thổi (kịch bản Hàn Quốc, đạo diễn: Charlie Nguyễn, Thái Hòa, Phương Điền; Công ty TVM và Chánh Phương hợp tác sản xuất) là bộ phim VN thu hút sự quan tâm của dư luận nhiều nhất hiện nay.
Tiếng cười xen lẫn nước mắt
Đúng như tựa ban đầu là Chuyện nhà tôi, đề tài của bộ phim Dù gió có thổi chỉ loanh quanh với những câu chuyện hằng ngày xảy ra trong gia đình bà Mỹ-một phụ nữ gốc Bắc 54 vào Nam lập nghiệp. Bà Mỹ nung nấu ước mơ xây được biệt thự đến mức đã đặt tên cho các con cháu lần lượt là Cần, Mẫn, Khắc, Tậu, Biệt, Thự.
Vân Trang và Quý Bình trong phim Dù gió có thổi. Ảnh: C.T.V
Khi cuộc sống trong ngôi nhà mới tạm yên ổn, từng thành viên trong gia đình bắt đầu theo đuổi mục đích riêng của mình nhưng những mục đích này đôi khi lại xung đột nhau. Việc chọn đưa hình ảnh một gia đình “tứ đại đồng đường”- một mô hình gia đình hiếm hoi trong nhịp sống công nghiệp hiện nay- lên phim đã tạo nên nét khác lạ, gây tò mò nơi người xem ngay từ đầu.
“Chén đũa trong chạn còn khua” huống hồ một tổ ấm chứa đến cả chục con người như nhà bà Mỹ, sự khác biệt văn hóa vùng miền Nam-Bắc, tính cách trong từng thành viên gia đình quả thật đã làm nảy sinh nhiều tình huống oái oăm. Duyên hài của bộ phim bật ra từ đây và tiếng cười được chuyển tải nhẹ nhàng thông qua lời thoại, tình huống dí dỏm, thực tế.
Người xem không thể nín cười khi chứng kiến sự tuềnh toàng, bộc trực của cô con dâu người miền Tây Bích Phượng (Lê Khánh đóng) mấy phen đẩy mẹ chồng và bà nội chồng đến chỗ hiểu lầm nhau. Tính tiết kiệm đến mức “mua phở tranh thủ xin thêm ít chanh, ớt, rau, giá về để dành dùng” của người em Hoài Tậu trái với cách sống kiếm được 1 đồng nhưng chi đến 10 đồng của người anh Hoài Khắc. Sự trái tính “già sanh tật chẳng khác gì con nít” của bà Mỹ hay ông chú Mẫn.
Thế nhưng, nếu đơn thuần chỉ dùng tiếng cười để kéo khán giả thì Dù gió có thổi không chiếm nhiều cảm tình người xem đến vậy. Chính những tình huống đề cao tình thân ấm áp trong gia đình mới là sợi chỉ cảm xúc xuyên suốt bộ phim, tạo nên những xúc cảm đầy đặn cho người thưởng thức.
Các thành viên trong gia đình tuy có lúc xung đột nhau vì lợi ích riêng tư, tính cách khác biệt nhưng trên hết họ vẫn đối xử với nhau bằng tình thương và trách nhiệm. Đó cũng chính là nét đẹp văn hóa của người VN. Trong thời buổi nhịp sống công nghiệp hối hả hiện nay, khi mà những giá trị truyền thống trong gia đình dần mất đi thì những hành động, việc làm của các nhân vật trong phim dành cho nhau đã mang lại cho người xem nhiều bài học quý giá về đạo lý làm người, cách đối nhân xử thế, về giá trị của hai tiếng “gia đình”.
Diễn viên đột phá
Trên cái nền một kịch bản tốt được“Việt hóa” khéo léo, Dù gió có thổi còn được hậu thuẫn bởi một dàn diễn viên hùng hậu, cứng nghề. NSƯT Kim Xuân và NSƯT Nguyễn Văn Phúc diễn xuất ăn ý khi vào vai hai vợ chồng ông Cần-bà Nga- trụ cột của gia đình. Đức Thịnh rũ bỏ hình ảnh một anh Phê ồn ào, vui tính trong Cô gái xấu xí để nhập vai người chồng, người cha chỉn chu, gương mẫu trong gia đình.
Nét mặt hài duyên dáng của Đức Thịnh được anh cố kìm lại để phù hợp với tính cách nhân vật Khắc-một người đàn ông gia trưởng độc đoán, ham làm giàu. Với vai Bích Phượng, nữ diễn viên trẻ Lê Khánh một lần nữa chứng tỏ sở trường của mình trong dạng người “tưng tửng”.
Cùng với bạn diễn Bình Minh, Lê Khánh tạo nên một bộ đôi đẹp trên màn ảnh nhỏ từ ngoại hình cho đến cách diễn xuất. Vai diễn Hoài Tậu của Bình Minh cũng khác hẳn với hình ảnh những anh chàng hào hoa, lịch lãm trước đây và có thể xem là một tiến bộ lớn của diễn viên từng là người mẫu này.
Cũng không còn bị “đóng khung” như Bình Minh là trường hợp của Quý Bình. Nếu những phim trước đây, anh thường hóa thân thành anh chàng nhà quê, thụ động trong tình cảm thì sang đến vai Hoài Biệt, Quý Bình lột xác thành một chàng trai sành điệu, phong độ, dí dỏm, bề ngoài tuy có vẻ hời hợt nhưng lại luôn tìm kiếm cho mình một tình yêu đích thực.
Với gương mặt nam tính và khả năng diễn xuất được đào tạo bài bản, Quý Bình nhập vai tự nhiên để lại nhiều cảm tình cho khán giả.
Tuy nhiên, người gây bất ngờ và ấn tượng nhất trong phim chính là NSƯT Lê Thiện. Với khán giả mộ điệu cải lương, nữ diễn viên lão thành này không phải là nhân vật xa lạ nhưng với phim ảnh, bà lại là tân binh. Như câu nói “gừng càng già càng cay”, kinh nghiệm mấy chục năm theo nghề của NSƯT Lê Thiện đã biến nhân vật bà Mỹ trở nên sống động hơn.
Giữa lúc phim truyền hình đang khan hiếm những diễn viên có tuổi vào vai bà nội, bà ngoại trên phim, sự xuất hiện của NSƯT Lê Thiện như làn gió lạ, mang lại sự tươi mới cho màn ảnh nhỏ. Cùng tung hứng nhịp nhàng với NSƯT Lê Thiện là diễn viên hài Anh Tuấn.
Vai ông Mẫn của anh không hẳn là nhân vật phản diện nhưng cũng không phải là chính diện. Với ý đồ độc chiếm gia tài của anh trai, Mẫn tìm mọi cách gây chia rẽ, mâu thuẫn trong gia đình nhưng trước mặt mọi người, nhân vật này luôn làm ra vẻ đáng thương, tội nghiệp. Nét mặt hài hước, hành động đôi lúc như trẻ con cộng thêm giọng Bắc của Anh Tuấn khiến ông Mẫn trở thành nhân vật được khán giả chờ đợi xuất hiện nhiều nhất dù đây chỉ là vai phụ.
Bài học “Việt hóa” phim truyền hình Kịch bản Dù gió có thổi xuất xứ từ Hàn Quốc, được Công ty Cổ phần Truyền thông Trí Việt TVM mua lại từ hãng KBS. Chịu trách nhiệm biên kịch là ba thành viên còn rất trẻ: Duy Linh, Ngọc Khanh, Hoàng Anh. Theo ê kíp biên kịch, kịch bản Việt hóa đã được chỉnh sửa đến 80% để phù hợp với tâm lý người VN. Sự thay đổi tập trung vào những nét khác biệt văn hóa, đặc biệt chú ý đến văn hóa vùng miền. Các câu thoại được tiết chế sao cho nhẹ nhàng hơn, ví dụ những đoạn đối thoại giữa mẹ chồng-nàng dâu là bà Mỹ và bà Nga. Nhân vật Mẫn được xây dựng thêm nhiều chất hài hơn. Nhờ phả thêm nhiều chất Việt nên bộ phim Dù gió có thổi trở nên gần gũi, phù hợp tâm lý khán giả VN hơn, khó nhận ra “cốt” Hàn trong phim. |
Theo Hương Nhu (NLĐ)
nguyenty