Hãng tin CNN dẫn lời người phát ngôn giải thưởng Nobel cho biết: "Ủy ban Nobel Na Uy trao giải Nobel hòa bình năm 2019 cho Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed vì những nỗ lực nhằm đạt được hòa bình và hợp tác quốc tế và cho sáng kiến mang tính quyết định của ông để giải quyết cuộc xung đột với nước láng giềng Eritrea".
Ông Abiy Ahmed (43 tuổi) là nhà lãnh đạo trẻ nhất tại châu Phi. Ông Abiy Ahmed trở thành thủ tướng của Ethiopia vào tháng 4-2018. Ông là chủ tịch của cả đảng cầm quyền EPRDF (Mặt trận Dân chủ cách mạng của dân tộc Ethiopia) và OPDO (Tổ chức Dân chủ Oromo), một trong bốn đảng liên minh của EPRDF.
Theo tuyên bố của người phát ngôn giải thưởng danh giá này, ông Abiy Ahmed có mong muốn nối lại các cuộc đàm phán hòa bình với Eritrea từ khi nhậm chức. Trong quá trình tại nhiệm của mình, ông Abiy Ahmed hợp tác chặt chẽ với Tổng thống Eritrea, nhanh chóng đưa ra các nguyên tắc thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt tình trạng bế tắc trong việc tìm kiếm hòa bình từ lâu giữa hai nước.
"Một tiền đề quan trọng cho bước đột phá là ông Ahmed sẵn sàng chấp nhận phán quyết trọng tài của một ủy ban biên giới quốc tế vào năm 2002", phát ngôn viên nói thêm.
Chiến tranh biên giới giữa Ethiopia và Eritrea nổ ra từ năm 1998 - 2000, cướp đi sinh mạng của khoảng 80.000 người trước khi một hiệp định hòa bình được ký kết ngày 12-12-2000. Tuy nhiên, khu vực biên giới chung giữa hai nước vẫn căng thẳng và tiềm ẩn nguy cơ xung đột vũ trang cho đến khi ông Abiy Ahmed trở thành tân Thủ tướng Ethiopia và có nhiều bước đi quan trọng.
Năm ngoái, các nhà lãnh đạo Ethiopia và Eritrea đã ký "Tuyên bố chung về hòa bình và hữu nghị". Trong khuôn khổ chuyến thăm Eritrea kể từ ngày 8-7-2018, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed cho biết hai nước đã bình thường hóa quan hệ, mở cửa trở lại các đại sứ quán và biên giới, các hãng hàng không và các cảng bắt đầu hoạt động, người dân có thể di chuyển giữa hai quốc gia.
Ngoài thành tựu lập lại hòa bình với nước láng giềng, ngay sau khi nhậm chức chưa lâu, Thủ tướng Abiy Ahmed còn dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở nước này, ra lệnh thả hàng ngàn tù nhân (trong đó có lãnh đạo đối lập Andargachew Tsege), cho phép những người bất đồng quan điểm quay về nhà và bỏ chặn hàng trăm trang web cùng kênh truyền hình.
Văn phòng Thủ tướng Ethiopia đã bày tỏ niềm tự hào khi ông Abiy Ahmed được chọn để trao giải Nobel Hòa bình.
Nobel Hòa bình là giải thưởng danh giá được trao hàng năm cho các cá nhân hoặc tập thể có đóng góp lớn nhất cho nền hòa bình thế giới. Được biết, đây là giải thưởng Nobel Hòa bình lần thứ 100 kể từ khi giải thưởng này bắt đầu được trao năm 1901. Theo website của Giải Nobel Hòa bình, năm 2019 có 223 cá nhân và 78 tổ chức ứng cử giải thưởng.
Năm này, ngoài thủ tướng Abiy Ahmed là ứng viên, còn có bà Raoni Metuktire, nhà hoạt động môi trường người Brazil đã lãnh đạo một chiến dịch bảo vệ rừng Amazon; Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cũng có khả năng đoạt giải. Đặc biệt là sự hiện diện của cô gái còn rất trẻ (16 tuổi), nhà hoạt động khí hậu người Thụy Điển, cũng là cái tên được nhiều người ưa chuộng cho giải Nobel Hòa bình.
Năm ngoái, giải thưởng Nobel Hòa bình đã thuộc về Denis Mukwege và Nadia Murad vì những nỗ lực chấm dứt việc sử dụng bạo lực tình dục như một vũ khí chiến tranh và xung đột vũ trang.