Từ một vụ ly hôn, phân chia tài sản chung, một văn phòng công chứng (VPCC) bị xác định là người liên quan do trước đó đã công chứng việc mua đất của người chồng. Tuy nhiên, hai cấp tòa còn có quan điểm khác nhau về lỗi của công chứng viên trong vụ việc.
Tòa sơ thẩm: Công chứng có lỗi
Theo hồ sơ, năm 1999, bà LNA và ông TTL kết hôn hợp pháp và chung sống với nhau. Khoảng năm 2016, ông L. thường ở lại chỗ làm khiến vợ nghi ngờ ông có bồ nên hai người nảy sinh mâu thuẫn. Bà A. còn cho rằng ông L. đã lén lấy tiền tiết kiệm chung để đi mua đất. Từ đó bà A. gửi đơn yêu cầu tòa cho bà được ly hôn với ông L. và chia đôi số tiền tiết kiệm chung là 300 triệu đồng.
Tuy nhiên, trước đó, ngày 7-9-2015, ông L. mua một mảnh đất tại xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM với một người xưng là Lê Thị Cẩm (trùng tên với người đứng tên trong giấy tờ đất) với giá 300 triệu đồng. Hợp đồng mua bán được hai bên ký tại VPCC TC, nay đổi tên thành VPCC NTT có trụ sở tại huyện Nhà Bè.
Tháng 9-2018, TAND quận 12, TP.HCM xử sơ thẩm, VPCC được xác định là bên liên quan vì ông L. có hai yêu cầu độc lập với VPCC này là hủy hợp đồng công chứng và bồi thường cho ông 300 triệu đồng.
Tại tòa, ông L. thừa nhận mình đã lấy tiền chung của vợ chồng đi mua đất và làm thất thoát nên đồng ý trả lại 1/2 số tiền cho bà A. Tuy nhiên, ông yêu cầu VPCC bồi thường vì người ra công chứng bán đất cho ông không phải là người có quyền sử dụng hợp pháp lô đất. VPCC phải có trách nhiệm kiểm tra tính xác thực của người yêu cầu công chứng cùng với các giấy tờ, tài liệu kèm theo.
Theo ông L., vì VPCC không làm đúng trách nhiệm nên dẫn đến kẻ gian thực hiện hành vi gian dối khiến ông bị thiệt hại. Cũng tại tòa, ông L. cho rằng bà Lê Thị Cẩm người đang tham dự phiên tòa và người ký hợp đồng tại VPCC với ông là hai người khác nhau.
Tại tòa, đại diện VPCC cho rằng ông L. là người yêu cầu công chứng thì phải có trách nhiệm biết mình giao dịch với ai. Công chứng viên chỉ chứng kiến việc các bên ký hợp đồng nên không đồng ý bồi thường.
Đại diện VKS cho rằng bà Cẩm (người đứng tên trong sổ đỏ) không đến VPCC để ký hợp đồng với ông L. và không nhận tiền bán đất, mà bị một người khác giả mạo. Lỗi làm cho hợp đồng công chứng vô hiệu là do công chứng viên đã chứng nhận sai tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, không đảm bảo an toàn pháp lý cho các bên tham gia gây thiệt hại cho ông L. Việc ông L. yêu cầu VPCC phải bồi thường là có căn cứ chấp nhận.
Cuối cùng, HĐXX tuyên không chấp nhận yêu cầu ly hôn của bà A. vì tình trạng hôn nhân chưa đến mức trầm trọng, không thỏa mãn khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình. Đối với yêu cầu chia đôi số tiền là tài sản chung, HĐXX tuyên chấp nhận, buộc ông L. phải trả cho bà A. một nửa số tiền tiết kiệm chung là 150 triệu đồng. HĐXX tuyên chấp nhận yêu cầu của ông L., buộc VPCC TC phải bồi thường cho ông này 300 triệu đồng.
Tòa phúc thẩm: Phải đánh giá tài liệu
không đồng ý với bản án sơ thẩm, VPCC đã kháng cáo yêu cầu tòa phúc thẩm tuyên mình không phải bồi thường cho ông L. và tuyên hợp đồng công chứng vô hiệu.
TAND TP.HCM xử phúc thẩm. Tại tòa, luật sư của ông L. cho rằng lỗi làm cho hợp đồng công chứng vô hiệu là do công chứng viên không làm hết trách nhiệm, nêu yêu cầu đòi bồi thường của ông L. là có căn cứ. Trong khi đại diện VPCC vẫn giữ quan điểm không chấp nhận yêu cầu bồi thường của ông L.
Phát biểu, đại diện VKS cho rằng tòa án cấp sơ thẩm công nhận hủy hợp đồng công chứng là chưa có cơ sở. Từ đó, VKS đề nghị HĐXX hủy một phần bản án, trả về tòa án cấp sơ thẩm xem xét, giải quyết lại.
Cuối cùng, HĐXX đã tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm về hai nội dung yêu cầu độc lập của ông L. Tòa nhận định lời khai của ông L. và đại diện VPCC thì bà Lê Thị Cẩm là người ký hợp đồng và chủ sở hữu hợp pháp của mảnh đất không phải là một người, nên cấp sơ thẩm xác định hợp đồng chuyển nhượng vô hiệu là có căn cứ.
Tuy nhiên, cấp sơ thẩm lại công nhận sự thỏa thuận hủy hợp đồng giữa ông L. và bà Cẩm (người có quyền sử dụng đất hợp pháp) là không đúng, vì bà không phải là người giao kết hợp đồng.
Cũng theo HĐXX, việc xác định công chứng viên có thực hiện đúng quy định hay không thì cần phải thu thập tài liệu về nhân thân của bà Lê Thị Cẩm trong hồ sơ công chứng để xác minh tính hợp pháp của tài liệu. Từ đó, HĐXX cấp phúc thẩm quyết định hủy yêu cầu độc lập để giải quyết lại.
Không mua đất mà cầm cố? Liên quan đến vụ án, trong hồ sơ vụ án có thông báo kết quả giải quyết tin tố giác về tội phạm ngày 10-2-2016 của Công an huyện nhà Bè, TP.HCM. Theo đó, tại công an huyện, ông L. khai có nhận cầm của một phụ nữ tên Cẩm 301,7 m2 đất với lãi suất là 9 triệu đồng/tháng. Theo công an, hợp đồng chuyển nhượng đất vô hiệu do giao dịch giả tạo nhằm che đậy một giao dịch khác nên VPCC không có lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu mà lỗi thuộc về ông L. Văn bản đề nghị HĐXX thu thập thêm chứng cứ để làm rõ bản chất của giao dịch cầm cố là giao dịch thật, che đậy bởi giao dịch giả tạo là chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Ông L. không xuất trình được biên nhận giao cho bà Cẩm (tự xưng tên Lê Thị Cẩm) số tiền 300 triệu đồng nên không đủ cơ sở để xác định bị thiệt hại số tiền này. |