Chiều 4-5, chúng tôi chứng kiến hàng loạt xe tải nặng, xe container vượt Trạm cân Quảng Ninh dễ dàng. Tại hai đầu trạm có hai CSGT làm nhiệm vụ dừng xe quá tải, dù vậy không ít xe bị cân động báo quá tải “mời vào cân” nhưng vẫn băng băng phóng qua. Thỉnh thoảng có xe gần tới chốt, CSGT từ trong chạy ra vẫy nhưng khi ấy đầu xe đã vọt qua. Xe thoát đi, chỉ còn lại CSGT giơ gậy vẫy trong hư không.
Bỏ ngỏ giờ cao điểm
Suốt buổi chiều, trong cả trăm xe container, xe tải qua đây, có không ít xe bị CSGT của trạm ra tín hiệu dừng vẫn bỏ chạy, chỉ duy nhất xe container 20 feet BKS 34M-1917 phải vào cân sau đó được cho đi.
Về đêm, từ 21 giờ đến 2 giờ sáng hôm sau mới là thời điểm xe tải, xe container qua lại trạm cân nhộn nhịp nhất. Lúc 22 giờ 30 đêm 7-5, các xe container đi hướng Hải Phòng-Móng Cái nối đuôi nhau vượt trạm. Bảng điện tử trạm cân liên tục hiện dòng “chúc an toàn”, không xe nào phải vào cân.
Qua trạm cân chừng 200 m là một chốt tuần tra của CSGT. Theo tìm hiểu, không phải lực lượng của trạm cân mà là CSGT tuần tra tuyến quốc lộ 18. Nhiều khi có cả thanh tra giao thông lập chốt ở vị trí khác. Các xe không đóng “luật” dù có trốn qua trạm cân cũng sẽ bị bắt ở các chốt này. Quan sát chốt CSGT, chúng tôi thấy hai CSGT liên tục ra hiệu lệnh kiểm tra xe tải nhỏ, xe con cả hai chiều nhưng hàng đoàn xe container, xe tải hạng nặng vượt qua chốt thì không bị “hỏi thăm”.
Mỗi ngày có 500-600 xe có dấu hiệu vi phạm nhưng đều thoát qua trạm cân. Ảnh: KIM LINH
Càng về khuya lượng xe container qua lại trạm cân càng đông, trong khi đó lực lượng làm nhiệm vụ tại trạm lại để “ngỏ cửa” cho xe qua. Trong chốt trực của CSGT thuộc trạm cân không một bóng người. Không ít xe chạy qua trạm cân nhưng bảng điện tử không hiện thông số.
Theo Hiệp hội Vận tải Hải Phòng trung bình mỗi ngày có khoảng 800 xe container từ Hải Phòng phải qua Trạm cân Quảng Ninh. Các xe lấy hàng từ cảng Cái Lân cũng phải quay lại trạm cân kiểm tra tải trọng. Ngoài ra còn các xe tải thùng liền loại 3-5 chân. Lượng xe qua lại trạm cân mỗi ngày lên tới cả ngàn chiếc. Và đương nhiên xe quá tải phải làm luật qua “cò” nếu không muốn bị bắt giữ, buộc hạ tải, xử phạt và treo bằng.
Muốn bắt xe vi phạm cũng không được!
Theo thống kê của Trạm cân Quảng Ninh, trong số gần 10.000 phương tiện qua lại trạm cân mỗi ngày có 500-600 xe có dấu hiệu vi phạm quá tải qua cân động. Riêng tháng 3-2011 số xe bị báo vào kiểm tra khi qua cân động là hơn 730 xe/ngày. Thế nhưng mỗi ngày chỉ có 5-6 trường hợp bị xử lý, chiếm 1% số lượng xe vi phạm.
Trước đó, năm 2010 số xe vi phạm qua cân động tới hơn 90.000 xe nhưng chỉ có hơn 4.000 xe bị dừng vào kiểm tra. Ngoài ra, mỗi ngày còn có khoảng 1.400 trường hợp camera không quét được biển số khi xe qua cân động, thông số của xe không hiện lên bảng điện tử. Có không ít xe quá tải đã “lọt lưới” nhờ sự bất ổn của thiết bị trạm cân. Nhưng theo các lái xe container, muốn qua tất nhiên trước đó đã phải có “cò” dẫn đường.
Nếu không có “cò” bảo kê những xe tải có dấu hiệu vi phạm sẽ bị dừng tại trạm cân. Ảnh: KIM LINH
CSGT vẫy nhưng xe vi phạm không dừng nên đành bất lực. Ảnh: KIM LINH
Ông Lê Văn Doanh, Trạm trưởng Trạm cân Quảng Ninh, nói rất muốn bắt giữ các xe vi phạm vì trạm được trích lại tỉ lệ phần trăm thưởng cao nhưng không làm nổi vì quy chế phối hợp bất hợp lý. Tại đây, ngoài nhân viên trạm cân còn có ba lực lượng phối hợp làm nhiệm vụ gồm CSGT, thanh tra giao thông (TTGT) và kiểm soát quân sự. Theo quy chế phối hợp do Bộ GTVT ký kết với UBND tỉnh Quảng Ninh, chỉ có CSGT được phép dừng xe vi phạm ở trong khu vực trạm. TTGT làm nhiệm vụ lập biên bản xử lý chứ không được bắt giữ. “Mỗi ca chỉ có hai CSGT, mỗi người làm một chiều đường thì bắt thế nào được. Nhiều xe chạy qua CSGT vẫy không dừng lại còn bấm còi nhạo báng nhưng chỉ biết đứng nhìn vì ra khỏi trạm không thuộc thẩm quyền của chúng tôi” - ông Doanh nói.
Theo ông Doanh, việc thiết lập các trạm cân để ngăn ngừa, xử lý xe quá tải là cần thiết để bảo vệ cầu đường bộ. Nhờ có trạm cân tình trạng xe quá tải đã có giảm, trước đây xe chở gấp ba tải trọng cho phép khá phổ biến nhưng hiện nay cao nhất cũng chỉ gấp đôi. Tuy nhiên, thực tế tại Trạm cân Quảng Ninh, chỉ có 1% lượng xe vi phạm quá tải bị xử lý, còn hầu hết vẫn qua mặt trạm cân tàn phá mặt đường. Mục tiêu bảo vệ đường chưa thấy nhưng chuyện làm “luật” xe quá tải ở Trạm cân Quảng Ninh thì đang diễn ra từng ngày từng giờ.
Không liên quan tiêu cực?
Ông Lê văn Doanh thừa nhận: “Từ lâu tôi nghe thông tin có một lực lượng cò mồi điều tiết từ xe quá tải Hải Phòng đến Móng Cái. Trước mỗi đầu trạm cân, “cò” tỏa ra tiếp thị mời chào lái xe rồi gom lại thành đoàn tổ chức vượt trạm. Chuyện “cò” bảo kê CSGT và Công an TP Hạ Long đều biết cả” - ông Doanh nói. Theo ông, từng có chuyện trạm cân bắt xe, “cò” lập tức đưa người đến quây cướp xe. Theo đó, ngày 27-1, xe 14L-7306 có dấu hiệu chở quá tải, CSGT ra tín hiệu dừng xe đưa vào cân, lái xe không chấp hành nên đã khóa xe. Nhưng chỉ ít phút sau, có một nhóm côn đồ tới trạm cắt khóa, đánh xe chạy trước sự bất lực của lực lượng liên ngành. Tháng 3 vừa qua có hai xe quá khổ chở máy gặt bị bắt giữ, khóa vô lăng tại trạm. Sau đó có một số người đã ngang nhiên mang kìm cộng lực tới cắt khóa. Sau đó lái xe chặn lối vào cân tĩnh khiến hoạt động trạm cân bị tê liệt vài giờ liền.
Tuy nhiên, ông Doanh khẳng định đến nay chưa thấy dấu hiệu nhân viên trạm cân tiêu cực, móc nối với cò. “Cán bộ, nhân viên trạm ngồi đây muốn tiêu cực cũng không được. Nhân viên của tôi muốn tiêu cực phải thông đồng với lực lượng được bắt giữ xe” - ông Doanh nói. “Nếu có chuyện tiêu cực thì phải ở ngoài trạm cân và chỉ có ở lực lượng được quyền dừng đỗ xe”.
Tại các cuộc họp giao ban, lãnh đạo trạm cân đã đề nghị lực lượng công an chỉ đạo các đội tuần tra tăng cường việc bắt giữ xe vượt trạm. Tình trạng “cò” lộng hành gây rối làm mất trật tự an ninh cũng đã được báo cáo cơ quan chức năng. Trạm đã có công văn đề nghị Công an TP Hạ Long có biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, đến nay tình trạng cò mồi bảo kê “làm luật” vẫn diễn ra sôi động suốt ngày đêm.
Mới đây, Trạm cân Quảng Ninh đã phải ký cam kết với Công an phường Đại Yên nhằm đảm bảo an ninh trật tự khu vực, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi bảo kê, gây rối trật tự và chống người thi hành công vụ của đội ngũ “cò” và lái xe. Theo ông Doanh, tình trạng “cò” lộng hành còn lực lượng liên ngành trạm cân tỏ ra bất lực đều do quy chế phối hợp có nhiều bất cập. Chỉ có một lực lượng CSGT dừng xe sẽ không làm nổi. Để việc bắt giữ xe vi phạm hiệu quả, cần cho phép TTGT phối hợp với CSGT bắt giữ xe vi phạm, lực lượng trạm cũng được hỗ trợ vẫy xe.
Ông Doanh cho hay Tổng cục Đường bộ đang đề xuất triển khai tiếp hơn 20 trạm cân nữa trên cả nước. Lúc đó hiệu lực trạm cân sẽ được cải thiện vì chủ xe, lái xe có qua trạm này cũng sẽ “dính” trạm khác, họ không thể “làm luật” tất cả các trạm cân.
Theo Tổng cục Đường bộ, nếu tải trọng trục của xe lưu hành qua đường bộ tăng từ tám tấn lên 16 tấn, mức độ làm hư hỏng mặt đường tăng lên 20 lần. Có nghĩa, nếu tải trọng trục 16 tấn chạy một lần trên đường, sẽ gây hư hỏng cho mặt đường bằng 20 lần của xe có tải trọng trục tám tấn. Tại nhiều cuộc họp tôi đã phát biểu thẳng là dù trạm cân có xây dựng hiện đại bao nhiêu đi nữa nhưng với quy chế này thì cũng không giải quyết được gì vì có bắt được xe đâu mà xử lý. Ông LÊ VĂN DOANH, Trạm trưởng Trạm cân Quảng Ninh |
KIM LINH