Mỹ từ “giao lưu võ thuật” được đặt ra thực tế chỉ là “vải thưa che mắt” khi những trận đấu trên sàn nhà (không phải sàn đấu) được quay clip rồi “bắn” lên mạng đã gây sốt không chỉ trong Việt Nam mà lan ra cả thế giới. Bởi nếu gọi là giao lưu thì phải đi đường chính ngạch, phải được cấp phép và ít nhất thì những trận đấu đấy phải thể hiện tâm võ giữa các môn phái và hơn hết là những “điểm dừng” cần thiết trong phần “giao lưu võ thuật”.
Đến khi trên mạng nhan nhản hình ảnh một ông Tây hơn vài chục ký và trẻ cả chục tuổi đánh với một võ sư Việt Nam, mà màn “giao lưu” đấy cứ như “đá dế”. Buổi “giao lưu” kết thúc bằng hình ảnh một người nhỏ con lồm cồm bò dậy sau khi bị ăn rất nhiều đòn thì tiếp theo là nhận thêm cái đá của ông Tây rồi nằm sõng soài trên sàn nhà…
Dân võ ai cũng nói đó không phải là võ, càng không phải là giao lưu. Và nếu là đấu thì cũng không phải là đấu nữa vì đấu người ta có hạng cân, có luật, có trọng tài và càng không có chuyện lồm cồm bò dậy lại bị thêm một đòn chí tử nữa.
Rất nhiều người khi xem clip đấy đã bình luận chuyện hơn thua và cả chuyện khôn, chuyện dại của người thách đấu và người nhận đấu.
Cũng đã có ai tìm hiểu xem mục đích của ông Tây Pierre Flores sang Việt Nam thách đấu rồi làm ồn ào cả làng truyền thông, rồi cuối cùng khi chất vấn những cơ quan có trách nhiệm thì ai cũng nói thế là phạm luật, là không được phép đánh nhau dưới danh nghĩa thách đấu.
Hình ảnh Pierre Flores sau khi hạ hai võ sư tại Hà Nội đã vào TP.HCM, đến bản doanh của phái Nam Huỳnh Đạo không khác gì “Tây ba lô” đi hỏi đường và tất nhiên không được tiếp là điều dễ hiểu. Ảnh: CTV
Cũng cần xác định là trong những người theo dõi có không ít trẻ em và hình ảnh đấm đá túi bụi, đánh nhau không đúng nơi đúng chỗ, rồi thách đấu và khích bác đấy đã gây những ảnh hưởng rất xấu đến lớp trẻ. Thế nhưng hình ảnh đấy cứ ngày một dày lên và có lúc đã trở thành thời sự chính của cái được gọi là chuyên mục thể thao gắn với hậu trường làng võ.
Ngay cả việc ông Tây Pierre Flores cùng một đoàn rình rang với trang phục rất “Tây ba lô” đến trước cổng đình Nam Chơn, nơi bản doanh của phái Nam Huỳnh Đạo tại TP.HCM, để đòi gặp chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt, kéo theo số đông truyền thông và người dân hiếu kỳ đã thấy bất thường của việc “giao lưu võ thuật”. Sự việc khiến lực lượng công an phải đến vãn hồi, rõ ràng không phải là hình ảnh cao đẹp của võ mà là sự tò mò từ những lời thách đấu được rao tràn lan trên mạng.
Để đi vào bản chất của vấn đề, xin trích những nhận xét và tư liệu của nhà nghiên cứu văn hóa người Pháp gốc Việt Gerard Chapuis: Qua truyền thông Việt Nam thì Pierre Flores giống như một anh hùng hành hiệp trong làng võ lâm thế giới. Có đúng là Pierre Flores có mặt tại Việt Nam để “giao lưu võ thuật” và “làm sạch hình ảnh làng võ Việt”? Đó chỉ là chiếc màn thưa nhưng đã che được mắt không ít người dân Việt hiếu kỳ và cả hiếu khách (!?). Từ bên Pháp, tôi vào trang của CLB Vịnh Xuân Thiếu Lâm Nam Anh chính thống phái dưới nhan đề: “Chia tay và phản bội” và trang CLB Vịnh Xuân Thiếu Lâm Ngũ hành và sự thật thì ngay cả người không hiểu về võ cũng đã nhìn ra sự rối ren của phái này đã diễn ra từ những năm 2013.
Đó là vào tháng 2-2013, chưởng môn Vịnh Xuân Thiếu Lâm Nam Anh chính thống là ông Nam Anh có chuyến về Việt Nam. Cùng thời điểm này, những người nắm giữ vai trò quan trọng đã thừa cơ hội lập ra và lèo lái CLB khỏi sự kiểm soát của Vịnh Xuân Thiếu Lâm Nam Anh chính thống phái, trong đó có cả chủ tịch CLB, chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch của hội đồng điều hành, phụ trách giảng dạy…
Tài liệu trích dẫn của ông Gerard Chapuis có dẫn chứng việc làm phản nhân chưởng phái về Việt Nam: “Chỉ trong vòng hai tuần, nhóm làm phản đã thiêu hủy tổ đường và tổ chức lại một đế chế. Họ xóa thư điện tử, làm mất link trang mạng CLB Nam Anh chính thống để khi môn sinh tìm về trang mạng “Vịnh Xuân Thiếu Lâm Nam Anh chính thống phái” thì được Google dẫn vào trang mới lập của CLB ly khai “Vịnh Xuân Thiếu Lâm Ngũ hành”…
Vì thế mà làng võ đã suy luận việc Pierre Flores viện cớ Huỳnh Tuấn Kiệt để đến Việt Nam “thách đấu” thực chất chỉ là màn PR miễn phí cho võ đường tìm lại chính mình. Và tất nhiên, trước khi vào TP.HCM tìm đến bản doanh của phái Nam Huỳnh Đạo tại TP.HCM xin gặp võ sư Huỳnh Tấn Kiệt để thách đấu (và bị từ chối) thì Pierre Flores đã gặp những võ sư lót đường như làm mồi, bất chấp sự thua thiệt về trọng lượng và tuổi tác. Báo chí nước ngoài vì thế đã đề cập rằng hai võ sư Đoàn Bảo Châu và Trần Lê Hoài Linh đã PR không công để Pierre Flores “tỏa sáng” và mượn Nam Huỳnh Đạo lẫn tăm tiếng của võ sư Huỳnh Tấn Kiệt nhằm vực dậy môn phái và cái tên chính thống đã bị “cướp”.
Việc giúp “bạn” vực dậy một môn phái ở Canada được thành lập do một võ sư người Việt là thiện ý tốt. Nhưng để biến nó thành những màn thách đấu và tạo ra những sàn đấu vi phạm pháp luật ngay sát bên Sở VH-TT&DL TP Hà Nội cũng như Tổng cục TDTT và làm loạn cả làng võ lẫn truyền thông Việt Nam thì rõ ràng cần phải được rút kinh nghiệm và chấn chỉnh.
Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng: “Trước hết là phải xác định tính chất của nó là một trận thách đấu hay rèn luyện, giao lưu với nhau. Điều 10 Luật Thể dục, thể thao quy định cấm lợi dụng hoạt động TDTT xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng con người; trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc; bạo lực trong hoạt động TDTT. Hoạt động thi đấu võ thuật có đặc thù là có thể gây nguy hiểm, làm ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí tính mạng người khác. Do vậy trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm điều cấm nêu trên sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Việc tổ chức, cá nhân tiến hành tổ chức thi đấu (thách đấu) không tuân thủ các quy định của pháp luật sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi và hậu quả xảy ra”. |