'Mần vần công' hồi sinh ở Cà Mau

(PLO)- Mần vần công ở Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… có từ mấy trăm năm trước nay bỗng dưng nở rộ trong thời 4.0.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nông dân Mười Thắng (ngụ xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình, Cà Mau) không nuôi tôm càng nhưng hễ nghe cô, bác trong xã thu hoạch, anh liền tìm đến. Anh nhảy xuống bùn, hòa cùng cô, bác thu hoạch tôm, vừa tranh thủ quay vài đoạn clip đăng lên mạng xã hội. Anh muốn khoe với thế giới về chuyện mần vần công “tình tứ” của quê mình.

p12-van-cong-h1-8477.jpg
Chú Tám Đấu kể chuyện mần vần công ở quê hương mình. Ảnh: TRẦN VŨ
Cảnh thu hoạch tôm càng vần công tại nhà anh Út Vinh, ấp Nguyễn Tồng, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình, Cà Mau
Cảnh thu hoạch tôm càng vần công tại nhà anh Út Vinh, ấp Nguyễn Tồng, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình, Cà Mau. Ảnh: TRẦN VŨ

Mần vần công thời 4.0

Mần vần công là một hình thức làm việc luân phiên, giúp đỡ nhau qua lại giữa các hộ gia đình với nhau ở miền Tây.

Mần vần công ở Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… nói riêng và ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ nói chung đã xuất hiện từ mấy trăm năm trước, khi tổ tiên khai khẩn đất đai lập xóm, lập làng. Nhưng vào thời kỳ đổi mới từ cơ chế tập trung bao cấp lên kinh tế thị trường, khoảng những năm đầu thập niên 1990, chuyện mần vần công thưa dần và gần như biến mất. Nhiều người tưởng rằng mần vần công sẽ vĩnh viễn đi vào lịch sử nhưng không ngờ nó đã quay lại và nở rộ ngay thời kỳ 4.0 này.

Để hòa mình vào mần vần công, PV đã đến nhà anh Mười Thắng từ chiều hôm trước để sáng hôm sau dậy sớm, cùng anh đi thu hoạch tôm tại một hộ trong xã Biển Bạch Đông. Huyện Thới Bình đã khôi phục mần vần công từ khoảng năm năm qua và hiện tại hầu như xã nào trong huyện cũng có chuyện mần vần công.

Đúng 5 giờ sáng, anh Mười Thắng chở PV trên xe máy, theo con đường bê tông dọc dòng sông Trẹm để đến hộ thu hoạch tôm Út Vinh.

“Nhờ có mần vần công mà bà con gần gũi, chia sẻ với nhau nhiều hơn trong cuộc sống" - ông Đinh Văn Minh, Bí thư chi bộ ấp Hữu Thời

Giá trị ở tình làng nghĩa xóm

Nhà Út Vinh lúc chúng tôi đến đã có hơn 20 người. Một nhóm lội xuống ruộng bắt tôm, nhóm khác xúm lại một tấm bạc lớn, ngồi thành hình tròn để phân loại theo nhu cầu của thương lái. Anh Mười Thắng cũng nhanh chân nhảy ngay xuống ruộng và bắt những con tôm càng đang bị máy đuôi tôm quậy đục nước.

Cảnh thu hoạch tôm càng nhà Út Vinh vui như hội, có già, có trẻ, có nữ, có nam, ai nấy đều tự giác và thành thạo. Chị Lê Thị Cẩm Tú, người cùng ấp Nguyễn Tồng, vừa phân loại tôm vừa trả lời các câu hỏi của tôi: “Hôm nay vợ chồng tôi đi mần trả công cho Vinh. Nhà tôi đã thu hoạch tôm tuần trước rồi”.

Chị Tú kể tuần trước, tôm càng nuôi trong ruộng của chị bất ngờ bị nổi đầu chết do cấp nhầm nguồn nước phèn từ ruộng người khác xổ ra kênh, chị hô lên thì lập tức có gần 20 người trong xóm chạy đến giúp thu hoạch nhanh.

“Không nhờ cái vụ mần vần công này, hôm đó tôm càng nhà tôi chắc bỏ luôn. Bởi chuyện đột xuất như vậy, có thuê người thu hoạch cũng đâu có kịp. Nhờ cô, bác giúp mà tôi bán được gần 50 triệu đồng” - chị Tú nói.

Lợi ích từ mần vần công không chỉ trong những sự cố khẩn cấp như trường hợp của chị Tú mà còn thể hiện rõ nét ở nhiều khía cạnh khác.

Ông Lê Quang Đấu, một người dân địa phương, tâm sự: “Nhà tôi, con cái nó đi làm công nhân ở Bình Dương hết, còn lại người già và trẻ nhỏ. Nếu không có cái vụ mần vần công này, nhà tôi gặp nhiều khó khăn. Vì thuê mướn thì tốn tiền, mà tiền ở quê là một vấn đề lớn, nhiều khi đâu có sẵn. Nhờ cái vụ vần công, nhà tôi có công có việc, hô tiếng là bà con đến giúp ngay. Chỉ là sau đó mình đi trả công cho bà con. Nhưng vui mà. Ví như hôm nay vậy, ở không cũng buồn nên đến trả công cho thằng Vinh, vừa có lao động vừa được gặp bà con trò chuyện, vừa được ăn cơm, uống rượu và còn được bọc tôm, cá mang về nhà để ăn dần”.

Ông Đấu (68 tuổi) mặc dù sức không còn như thanh niên nhưng với “cái luật” vần công, ông vẫn được xem như một lao động thực thụ. Ông cứ làm theo sức của mình sẽ được cô, bác ghi nhận một lao động vần công.

Theo ông Đinh Văn Minh, Bí thư chi bộ ấp Hữu Thời, giá trị mà dù có bao nhiêu tiền cũng không mua được của mần vần công chính là tình làng nghĩa xóm. Ông Minh nói: “Đi đám tiệc gặp nhau ồn ào, đâu có tâm sự, sẻ chia nhiều như đi mần vần công. Nhờ có mần vần công mà bà con gần gũi, chia sẻ với nhau nhiều hơn trong cuộc sống. Ở thời buổi công nghiệp như hiện nay, thanh niên đi làm xa, nhiều gia đình ở nông thôn không đủ lao động làm đồng áng. Nhờ mần vần công, nhiều hộ gia đình ở đây vẫn nuôi được tôm, trồng được lúa một cách bình thường như mọi gia đình khác”.•

Mở rộng mần vần công

Thấy được lợi ích của việc mần vần công, những năm gần đây, ngoài mần vần công thu hoạch tôm càng, bà con đã mần vần công trong việc thẩy lúa, tức là giao lúa để trồng trên ruộng tôm. Thay vì trước đây phải mướn đội thẩy lúa chuyên nghiệp, vừa tốn tiền, đôi khi phải chờ đợi. Việc mần vần công sẽ giải quyết ngay công việc thẩy lúa trong một buổi, một ngày là xong hết mấy chục công lúa của hộ dân.

Anh PHAN TUẤN KHẢI, Trưởng ấp Huỳnh Nuôi, xã Biển Bạch Đông

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm