Sáng 5-1, kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024 diễn ra với các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc và thi lập trình trên máy vi tính môn tin học.
Trải nghiệm - ghi lại - tức thời chia sẻ lên mạng xã hội...
Đề thi Ngữ văn khiến học sinh thích thú khi đề cập đến vấn đề thời sự hiện nay. Đó là việc chia sẻ trên mạng xã hội.
Đề Ngữ văn gồm 2 câu
Câu 1: Nghị luận xã hội (8 điểm)
Trải nghiệm - ghi lại - tức thời chia sẻ lên mạng xã hội có nên là phương cách khẳng định giá trị của người trẻ trong thời đại ngày nay?
Câu 2: Nghị luận văn học (12,0 điểm)
“Các kiệt tác lớn là vô tận, mỗi thế hệ hiểu chúng theo cách của mình như vậy có nghĩa là các độc giả tìm thấy ở đó điều gì rọi sáng một phương diện trải nghiệm của họ. Nhưng nếu như một tác phẩm là vô tận, điều đó không có ý nói rằng, nó không có nghĩa khởi thủy, hay chú ý tác giả không phải là tiêu chuẩn của nghĩa khởi thủy ấy. Cái vô tận, là ý nghĩa của nó, là tính thích đáng của nó ở bên ngoài bối cảnh nó xuất hiện.
Bằng hiểu biết và trải nghiệm văn học, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.
Vấn đề khá quen thuộc
Đỗ Nguyễn Bảo Hân, học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, quận Tân Bình, cho biết so với các năm trước, phần nghị luận xã hội khó hơn, trong khi đó phần nghị luận văn học có rất nhiều ý để phân tích. Vì thế để có bài viết cô đọng, giàu cảm xúc và kịp với thời gian là điều không dễ dàng đối với các thí sinh.
Trong đó, phần nghị luận xã hội đề cập đến mạng xã hội, một vấn đề khá quen thuộc với giới trẻ. Liên quan đến sự trải nghiệm và ghi lại, em đề cập đến nguyên nhân vì sao các bạn lại ghi lại.
Còn đối với khía cạnh “tức thời chia sẻ trên mạng xã hội” cũng cần nhưng phải có mức độ. Bởi sự tồn tại của nó không thể là mãi mãi vì trên mạng xã hội dù có nhiều người nhưng họ có thể lướt qua mà không chú ý.
Do đó, để khẳng định giá trị của mình, Hân nghĩ giới trẻ cần nỗ lực để có giá trị tự thân chứ không phải là những giá trị ảo trên mạng xã hội.
Cũng theo Hân, phần nghị luận văn học là chủ đề khá quen thuộc nhưng khá dài và có nhiều vế nên thí sinh dễ đi vào phân tích lan man, không đúng trọng điểm.
Tương tự, một học sinh đến từ Trường THPT Nguyễn Hữu Huân chia sẻ đề văn khá thân thuộc và không có gì quá ấn tượng.
“Phần nghị luận xã hội em làm khá tốt bởi nó có sự trải nghiệm của bản thân” – thí sinh này bày tỏ.
Cũng theo nữ sinh này, việc sử dụng và chia sẻ trên mạng xã hội của giới trẻ hiện nay khá phổ biến. Nó vừa có lợi, vừa có hại.
“Mạng xã hội là nơi giúp mình có được cơ hội thể hiện bản thân. Tuy nhiên, nó cũng có thể khiến mình chạy theo một hình mẫu nào đó không phù hợp. Việc so sánh bản thân của mình với người khác quá nhiều sẽ khiến mình đánh mất giá trị thực tế trong cuộc sống. Do đó, nên có cách chia sẻ phù hợp, đồng thời cũng chỉ xem mạng xã hội như một công cụ phụ hỗ trợ, không nên coi đó là cách duy nhất để thể hiện mình. Còn phần nghị luận văn học không có sự đột phá" - nữ sinh này nói thêm.
“Phần nghị luận xã hội đề cập đến việc khẳng định giá trị bản thân là vấn đề khá quen thuộc. Bản thân em đã từng nghĩ tới trong quá trình ôn tập nên em làm câu này khá ổn” – Nguyễn Tâm Thy, học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân bộc bạch.
Tâm Thy cho hay đối với phần nghị luận xã hội, bài viết của em được triển khai theo hướng việc trải nghiệm và việc ghi lại là một điều tích cực đối với việc khẳng định giá trị bản thân. Tuy nhiên bản thân cần nhiều thời gian hơn để lắng đọng, nghiền ngẫm những trải nghiệm đó.
Việc chia sẻ thực tế là tốt bởi vì nó có thể lan tỏa, còn "tức thời" nghĩa là chưa có sự nghiền ngẫm, đó là sự vội vàng trong khi cần thời gian để lắng lại. Do đó, em đã đặt lại một phương cách để khẳng định giá trị bản thân vào cuối bài sau khi đã phân tích. Đề bài đặt ra cách thể hiện bản thân qua trải nghiệm, ghi lại và tức thời chia sẻ trên mạng xã hội. Còn theo em đó là sự trải nghiệm, ghi lại, nghiền ngẫm, suy tư, lắng đọng và chia sẻ.
Đối với phần nghị luận văn học, vẫn tập trung vào vấn đề lý luận mà tất cả học sinh đều sẽ tiếp cận trong quá trình ôn tập. Tuy nhiên, bài văn ấn tượng phải có suy nghĩ độc đáo. Bởi người ra đề luôn đòi hỏi ở học sinh phải có những tư duy sáng tạo và độc đáo hơn.