Liên quan đến vụ bảy người tử vong nghi sốc phản vệ trong khi chạy thận tại Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Hòa Bình, trưa 30-5, Trung tướng Trần Văn Vệ, Quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, cho biết: Công an tỉnh Hòa Bình đã quyết định khởi tố vụ án để làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Theo đó, CQĐT khởi tố vụ án theo Điều 242 BLHS về tội vi phạm quy định về khám chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.
Máy mua + tài trợ
Tại cuộc họp của UBND tỉnh Hòa Bình sáng 30-5, ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND, nhận định đây là sự cố y khoa đau lòng.
Ngay trong sáng cùng ngày, lãnh đạo tỉnh đã đến BV để thăm hỏi và thắp hương các bệnh nhân đã qua đời. Đồng thời, tỉnh đã cử một phó chủ tịch tỉnh về tận nhà các gia đình có bệnh nhân qua đời để động viên và hỗ trợ 5 triệu đồng/bệnh nhân tử vong, 2 triệu đồng/người cấp cứu.
Trong khi đó, ông Trương Quý Dương, Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình, cho rằng đây là sự cố hy hữu. Tập thể lãnh đạo, cán bộ của BV nhận trách nhiệm trong vụ việc này, đồng thời gửi lời chia buồn sâu sắc, lời xin lỗi tới gia đình các bệnh nhân và toàn thể cộng đồng.
Trả lời báo chí về nguyên nhân sự cố, giám đốc BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình nói ngắn gọn: Hiện chưa thể kết luận gì, phải chờ kết luận của hội đồng. “Việc chạy thận có rất nhiều công đoạn, do đó chưa thể khẳng định có lỗi hay không và lỗi ở đâu, phải đợi kết luận. Về máy chạy thận, BV sử dụng từ nhiều nguồn, kể cả mua và tài trợ” - vị này nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm hỏi các bệnh nhân tại BV Bạch Mai ngày 30-5. Ảnh: PHI HÙNG
20 biến chứng trong quá trình chạy thận
Trao đổi với báo chí sáng 30-5, Giám đốc BV Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh thông tin: Ngay trong đêm 29-5, các kíp trực của BV đã chuyển 10 bệnh nhân an toàn về Bạch Mai, riêng bệnh nhân nặng nhất phải ở lại Hòa Bình vì chuyển về Hà Nội không an toàn. “Ngoài phần bảo hiểm chi trả, BV sẽ miễn toàn bộ chi phí điều trị, ăn ở cho người bệnh” - giám đốc BV Bạch Mai khẳng định.
Theo TS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo BV Bạch Mai, có hơn 20 biến chứng có thể xảy ra trong quá trình chạy thận nhân tạo. Các biến chứng, tai biến thường khá nghiêm trọng vì xảy ra trong thời gian rất ngắn, nếu không xử lý kịp thời rất có thể dẫn đến tử vong.
Ví dụ, bệnh nhân trong quá trình chạy thận nhân tạo có thể bị tụt huyết áp, nếu trong vòng 10 phút không phát hiện và xử lý kịp thời cũng có thể dẫn đến tử vong. Hoặc không may có sai sót kỹ thuật dẫn đến khoảng 10 ml khí vào, bệnh nhân cũng không thể cứu được.
Theo TS Dũng, khó khăn lớn nhất hiện nay là có 100 bệnh nhân đang lọc máu thường kỳ ở BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình. “Chúng tôi không thể thông báo đồng thời một lúc cho tất cả bệnh nhân nên sẽ cử một cán bộ túc trực ở khoa Thận nhân tạo BV Đa khoa TP Hòa Bình, khi có bệnh nhân tới BV thì sẽ có xe đưa luôn về BV Bạch Mai. Sở Y tế TP Hà Nội và BV Bạch Mai sẽ làm đầu mối phân bổ về các BV trên địa bàn Hà Nội. Họ phải được lọc máu đúng kỳ hạn, nếu lỡ ngày sẽ rất nguy hiểm” - TS Dũng nói.
“Chúng tôi rất đau lòng” Chúng tôi rất đau lòng chia sẻ với những mất mát của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân. Sự cố y khoa khiến bảy bệnh nhân tử vong ở Hòa Bình này là trường hợp đặc biệt, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với UBND tỉnh thành lập ngay hội đồng chuyên môn để xác minh căn nguyên, tìm ra nguyên nhân và phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ sự việc. Nếu có sai phạm phải xử lý nghiêm theo pháp luật, đồng thời rút kinh nghiệm trong toàn ngành. Nhưng việc quan trọng trước mắt là cố gắng cứu chữa 10 bệnh nhân đang nằm ở Bạch Mai. Cạnh đó, hỗ trợ cho tỉnh Hòa Bình tiếp tục điều trị cho 100 bệnh nhân đang điều trị thường kỳ ở BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình theo quy trình chuyên môn định sẵn, để không vì sự cố này phải ngừng điều trị. Đây là sự cố đặc biệt, xảy ra trong hoàn cảnh đặc biệt. Đề nghị ngành y tế công bố công khai thông tin cho cơ quan truyền thông để tránh gây hoang mang trong dư luận. Bộ trưởng Bộ Y tế NGUYỄN THỊ KIM TIẾN Cần xem xét kỹ quy trình chạy thận nhân tạo Bộ Y tế đánh giá tai biến y khoa nghiêm trọng như tại Hòa Bình là sự việc cá biệt, do nguyên nhân tại chỗ khi thực hiện quy trình chứ không mang tính hệ thống. Tuy nhiên, qua sự việc, Bộ Y tế kết luận rằng việc thực hiện quy trình chuyên môn chạy thận nhân tạo đang có những vấn đề cần xem xét kỹ. Vì cùng một lúc 18 người có biến chứng nhưng tử vong bảy người là một tai biến quá lớn, không thể chỉ là vấn đề sốc phản vệ bình thường. Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước có thực hiện chạy thận nhân tạo rà soát quy trình, kiểm tra phác đồ cẩn thận để trao đổi, học hỏi thêm kinh nghiệm. Qua sự cố này chúng tôi mong các bệnh nhân chạy thận trên cả nước cần hết sức yên tâm, không nên quá hoang mang làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị. PGS-TS LƯƠNG NGỌC KHUÊ,Cục trưởng ________________________________ Chạy thận cho một người tiềm ẩn nhiều nguy cơ, biến chứng và rất nguy hiểm nếu không nắm rõ cơ địa. Do đó nghi vấn 18 người chạy thận bị sốc phản vệ là không thuyết phục bởi sốc phản vệ mang yếu tố cơ địa, mỗi loại thuốc, hóa chất khác nhau gây sốc ở những cơ địa khác nhau… Nguyên nhân có thể xuất phát từ hệ thống xử lý nước, việc rửa quả lọc... đã đúng quy trình chưa, có còn chất tồn dư hay vấn đề ở dịch truyền-dịch thẩm tách... Biến chứng xảy ra với 18 người có biểu hiện rất đa dạng, khó có thể hướng vào tai biến nào. Do đó cần có thời gian để xác định sự cố xuất hiện ở khâu nào mà đưa ra kết luận chính xác nhất nhằm rút kinh nghiệm. Một bác sĩ chuyên khoa thận tại TP.HCM |