Sau khi đọc bài viết "Mẹ chồng nói tới con dâu là muốn xỉu" trong chuyên mục Tình yêu của báo Pháp Luật TP.HCM, một bạn đọc đã trải lòng về câu chuyện làm dâu của cô.
Dứt khoát không bỏ thức ăn hết đát
"Cha mẹ chồng tôi không xét nét nết ăn mặc, cách đi đứng, cư xử như gia đình chồng của cô gái trong bài viết. Ông bà không khó tính, cũng không hay bắt lỗi dâu con. Có lẽ vì vậy mà cuộc đời làm dâu của tôi không có gì sóng gió. Nhưng có một điều mà tôi đã cố gắng thích nghi nhưng vẫn quá khó khăn, đó là tính “kẹo kéo” đến mức không hiểu nổi.
Ngày đầu tiên làm dâu, tôi hăng hái khoe tài nấu ăn. Mẹ chồng tôi theo sát. Bà luôn nhắc tôi nêm bột ngọt ít thôi, nêm đường ít thôi. Bà dạy: “Nêm ít gia vị vừa tiết kiệm vừa ít bệnh con ạ”. Ăn cơm xong, tôi thấy bà đổ nước tương, nước mắm me, muối tiêu vào chung một chén rồi đem xuống bếp cất. Tôi hỏi thì bà trả lời: “Đây không phải đồ thừa, mình phải tiết kiệm, chiều kho cá hay kho thịt thì bỏ vào”. Và chiều hôm đó, bà ướp cá bằng chén nước mắm tổng hợp đó, nên vị của thức ăn rất kỳ. Nhưng cả gia đình không ai phiền vì điều đó cả.
Khi rửa chén, tôi hết hồn thấy thau xà bông nhớt nhợt nổi váng, bên trong lềnh phênh nhiều cọng bún và hạt cơm nở trương lên. Tôi đổ ngay chậu nước đó đi. Mẹ chồng nhìn thấy, nổi quạu: “Sao con lại đổ nước rửa chén đi? Còn dùng để rửa được mà, con phung phí quá”. Tôi không dám trả lời. Nhưng từ đó, hễ có mặt mẹ thì tôi phải chịu nhưng không có mẹ ở đấy tôi lại nhanh nhảu đổ hết nước rửa chén cũ đi.
Có nhiều hôm tôi bưng chén cơm lên, chợt nhớ tới chậu rửa chén nhớt nhợt bèn đặt chén xuống, nói đùa rằng con đang ráng giảm cân. Thế là mẹ chồng tôi lại kể ngay rất nhiều chuyện xưa, rồi chốt lại: Ngày xưa đói khổ, muốn có một bữa cơm no mà không có, nay bọn trẻ lại sợ phải ăn.
Đồ ăn dư sau bữa ăn, dù còn tí ti, mẹ cũng bỏ hết vào bịch rồi cất vào tủ lạnh. Đến ngày hôm sau, mẹ lại lấy ra bỏ vào nấu chung với thức ăn mới. Vì vậy có hôm tôi muốn khóc vì tôi đang nấu thịt kho trứng thì mẹ đổ luôn bịch thịt bò cà rốt (chỉ còn vài lát thịt) vào nấu chung, rồi cười bảo: “Không nấu thế này lại bỏ đi, phải tội”.
Một hôm, tôi vào phòng cha mẹ để dọn dẹp. Tôi tá hỏa thấy dưới gầm giường chật cứng đồ hộp, bánh mứt. Đó là những hộp quà biếu Tết. Tôi kiểm tra thì thấy rất nhiều hộp bánh kẹo đã hết đát gần cả năm. Nhân lúc ông bà không có nhà, tôi lén lấy hết những hộp bánh hết đát bỏ đi. Nhưng tôi không qua được mặt mẹ chồng, bà giận tôi, bỏ cơm hai bữa. Bà nói: “Ngày xưa tôi bán bánh in, bánh Trung thu, để ăn cả năm cũng có sao đâu. Anh chị phung phí thức ăn mà không sợ phải tội”.
Nếu thương sẽ hiểu
Nhiều lần tôi hỏi chồng, tại sao cha mẹ anh lại “ky bo” đến mức kỳ cục như thế. Anh chỉ thở dài. Rồi một lần, anh kể: “Lúc còn trẻ anh cũng bực mình lắm. Nhưng càng hiểu chuyện thì giận ít thương nhiều em ạ”. Đó là bởi ông bà đã trải qua nhiều trận đói, cái đói thời giặc giã, rồi tới cái đói thời kinh tế khó khăn đã làm ông bà trở nên sợ thiếu thốn hơn bất cứ thứ gì. Đã có thời gian nhà thiếu đói tới mức mẹ anh lả đi, không còn sữa cho con bú. Bởi vậy, nỗi sợ thiếu thốn nó đã trở thành nỗi ám. Ông bà chắt chiu từng miếng cơm, miếng thịt, không dám bỏ đi bất cứ thứ gì. Khi vào miền Nam lập nghiệp, ông bà may mắn làm ăn khấm khá, có của ăn của để nhưng tính tiết kiệm đến mức khắc khổ vẫn không cách nào thay đổi.
Khi nghe chồng tâm sự, tôi bỗng thấy thương cha mẹ chồng quá đỗi. Thôi thì chỉ còn cách tùy cơ ứng biến.
Hôm cha mẹ chồng tôi đi vắng, tôi lén gom hết bịch ny lông, chai nhựa, dép rách cất trong kho từ năm nảo năm nào, gọi ve chai cho hết. Sau đó mẹ chồng tôi phát hiện ra và hỏi, tôi nhanh nhảu thưa rằng có mối ve chai mua rất được giá, mua gấp đôi người khác nên tôi đã bán hết. Cầm nhiều tờ năm chục ngàn tôi đưa “tiền bán ve chai”, mẹ chồng tôi lẩm nhẩm một hồi rồi vui vẻ chốt lại: “Ừ, con khéo tính toán vậy thì cũng được”.