Ngày 14-10, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh này đã tổ chức di dời, sơ tán 23.687 hộ dân với gần 72 nghìn người để phòng tránh bão số 13, ngập lụt và sạt lở đất.
Huyện Nam Trà My sơ tán 6.000 người để phòng chống sạt lở đất. Ảnh: TN
Cập nhật đến 17 giờ, các huyện Núi Thành, Đại Lộc, Tiên Phước, Phước Sơn, Hiệp Đức, Đông Giang, Nam Trà My đã sơ tán gần 13 nghìn người đề phòng xảy ra sạt lở đất.
Trong đó, sơ tán xen ghép 1.461 hộ với 4.632 nhân khẩu và tập trung 2.243 hộ với 8.146 nhân khẩu. Chỉ tính riêng huyện Nam Trà My – nơi xảy ra nhiều vụ sạt lở trong thời gian gần đây, số người sơ tán hơn 6 nghìn người.
Ứng phó với bão số 13, tỉnh Quảng Nam đã tiến hành sơ tán xen ghép 16.741 hộ với 48.272 nhân khẩu và sơ tán tập trung 1.622 hộ với 5.315 nhân khẩu. Phần lớn ở các đơn vị phía bắc của tỉnh như thị xã Điện Bàn, TP Hội An, huyện Duy Xuyên.
Để chủ động ứng phó với lũ lụt, tỉnh này cũng đã sơ tán tập gần 5.500 người. Trong đó, sơ tán xen ghép 1.451 hộ với 5.029 người, tập trung 158 hộ với 446 người, chủ yếu ở huyện Đại Lộc. Đây là địa phương thường xuyên hứng chịu những trận lụt lớn của tỉnh Quảng Nam.
Do ảnh hưởng của bão số 13, trong ngày 13 và 14-11, các địa phương trên địa bàn tỉnh có mưa nhiều nơi.
Chiều 14-11, đảo Cù Lao Chàm (TP Hội An, Quảng Nam) đã có sóng lớn. Ảnh: TN
Dự báo trong 24 giờ tới, trên đất liền có mưa, gió giật. Vùng biển Quảng Nam, có mưa bão và dông, gió bão sẽ mạnh dần lên cấp 8 - 9, vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 11, giật cấp 14. Sóng biển từ 4 đến 6 m, vùng gần tâm bão 6 – 8 m, biển động dữ dội.
Lúc 17 giờ cùng ngày (14-11), mực nước trên sông Vu Gia tại Ái nghĩa là 7,5 m (dưới báo động II là 0,5 m), tại Hội Khách là 13,22 m (dưới báo động I là 1,28 m); trên sông Thu Bồn tại Hội An là 1,12 m (trên báo động I là 0,12 m), tại Câu Lâu là 1,86 m (dưới báo động I là 0,14 m); trên sông Tam Kỳ là 0,9m (dưới báo động I là 0,8 m).