|
Lầu Tứ Phương Vô Sự thành quán cà phê - Ảnh: THÁI LỘC |
Như đã đưa tin, di tích lầu Tứ Phương Vô Sự (nằm trên Bắc Khuyết đài, ngay cổng sau Hoàng thành Huế) vừa được Nhà nước trùng tu với mức đầu tư là 9,3 tỉ đồng, từ cuối tháng 5 này đã được cho thuê mỗi năm 200 triệu đồng.
* Ông Phùng Phu (giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế): “Thực tế thua kém của chúng ta là vào di tích không có sinh khí, không có cuộc sống khiến du khách rất buồn phiền, đó là những trăn trở. Do đó mục đích kinh doanh từ việc mở quán ở đây là rất nhỏ. Vấn đề là để cho di tích có đời sống của nó”. * Nhà nghiên cứu Phan Thuận An: “Phục hồi thì phải nhắm đến phát huy giá trị thích hợp, chứ để cho thuê kinh doanh như hiện nay là không nên!”. |
Quán cà phê là bước thử nghiệm
Ông Phùng Phu, giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết việc hình thành quán cà phê là dựa trên nhu cầu của du khách.
Theo thăm dò của trung tâm này trong thời gian qua, nhiều du khách mong muốn có một điểm nghỉ chân, hóng mát, ngắm cảnh tại điểm cuối khi tham quan Đại Nội, nên cái lầu vừa được trùng tu này là địa điểm phù hợp được chọn lựa. Và quán cà phê mới mở này nằm trong đề án phát huy giá trị di tích lầu Tứ Phương Vô Sự được thông qua bởi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ông Phu cho biết đề án sẽ biến Tứ Phương Vô Sự thành một địa chỉ văn hóa, tương tự cà phê sách. Du khách và mọi người có thể đến để tra cứu, tiếp cận thông tin về di tích, di sản.
Do đó ngoài phục vụ cà phê, giải khát, trung tâm đã giao cho Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế thực hiện kế hoạch trưng bày luân phiên các chuyên đề về di tích, xây dựng một tủ sách di tích, trưng bày những ấn phẩm của Huế. Tuy nhiên cho đến nay phương án trưng bày chưa thực hiện xong.
Ông Phu khẳng định chủ trương cho mở quán cà phê chỉ là một thí điểm thử nghiệm trong việc phát huy giá trị di tích lầu Tứ Phương Vô Sự, tức “chỉ là một cách tiếp cận”. Qua đó có thể lắng nghe những dư luận đồng tình và chưa đồng tình để có những điều chỉnh cho phù hợp.
Ông Phu cũng thừa nhận giữa quán cà phê mới mở và chủ trương của trung tâm đang có “độ chênh” nên sẽ tìm cách điều chỉnh những gì không phù hợp. Và chủ quán này cũng có những cam kết nhất định về đảm bảo không xâm hại kiến trúc, cảnh quan, môi trường, khách bên ngoài không được vào Đại nội qua đường này... Trường hợp nếu quán không thực thi những cam kết sẽ cho đóng cửa ngay.
|
Nội thất tầng 1 của lầu Tứ Phương Vô Sự trở thành quán cà phê như thế này (ảnh chụp ngày 23-5) - Ảnh: THÁI LỘC |
Việc làm tùy tiện
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thông tin Thừa Thiên - Huế, cho rằng việc mở quán cà phê ở lầu Tứ Phương Vô Sự là hết sức tùy tiện. Bởi lẽ trong khu vực Đại Nội có nhiều chỗ vừa hội đủ nhiều điều kiện, vừa thuận tiện để mở dịch vụ - như phủ Nội Vụ chẳng hạn - lại đang để trống.
“Việc mở quán cà phê đã bộc lộ một vấn đề rất lớn trong công tác quản lý di tích: không có một phương pháp khai thác tốt, sống động, vừa trình bày tốt giá trị di tích vừa tổ chức các dịch vụ phù hợp. Lẽ ra Trung tâm Bảo tồn di tích Huế cần có một kế hoạch, thậm chí một chiến lược về tổ chức những hoạt động dịch vụ du lịch trong khu vực di tích của cố đô Huế, chứ không thể làm một cách tùy tiện, khi thì làm quán ăn ở chỗ này, khi thì làm quán cà phê ở chỗ kia như hiện nay!”, ông Hoa nói.
Nhà nghiên cứu Phan Thuận An nhớ lại câu chuyện tương tự ở di tích Huế cách đây khoảng 20 năm. Lúc ấy Trung tâm Di tích Huế cho thuê Triệu Miếu trong Đại Nội để làm nhà hàng và ông An từng chứng kiến rất nhiều sự việc không hay: khách vào ăn nhậu đã ói mửa, chửi thề và có nhiều hành vi thiếu văn hóa ngay trong khu vực thờ phụng của ngôi điện tôn nghiêm này. Sau đó UBND tỉnh đã ra quyết định dẹp bỏ nhà hàng này khỏi di tích.
“Có kinh nghiệm vậy rồi mà tại sao lại cho người ta thuê lầu Tứ Phương Vô Sự để bán cà phê thì tôi không hiểu nổi!", ông An bức xúc.
Ông An cũng cung cấp thêm khu vực Bắc Khuyết đài nguyên là một vọng canh, vào năm 1923, dưới thời Khải Định lầu Tứ Phương Vô Sự được xây dựng làm nơi hóng mát cho các thành viên trong hoàng gia.
Đến thời Bảo Đại, lầu Tứ Phương Vô Sự xem như là một cơ sở giáo dục, là nơi học tập hằng ngày của các hoàng tử và hoàng nữ.
Ông An góp ý: "Nếu trở thành nơi dừng chân cho du khách nghỉ ngơi thì có thể giấu một tủ lạnh kín đáo đâu đó, rồi cung ứng thức uống cho du khách một cách nhẹ nhàng, chứ trưng bàn ghế, quầy tính tiền khắp nội thất thì xem ra không thích hợp”.
Theo THÁI LỘC (TTO)