Trưa 5-9, Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, cho biết bão số 3 đã mạnh lên thành siêu bão.
Vì sao bão số 3 mạnh lên siêu bão nhưng rủi ro thiên tai vẫn cấp 4?
Lúc 10 giờ, vị trí tâm siêu bão số 3 đang ở khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 115,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông.
Với vị trí này, siêu bão cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 490km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16 (184-201km/giờ), giật trên cấp 17. Siêu bão đang di chuyển chậm theo hướng Tây, tốc độ khoảng 10km/giờ.
Dự báo trong 24 giờ tới, siêu bão giữ nguyên cường độ. Thời điểm 10 giờ trưa mai, siêu bão vẫn giữ cấp 16, giật trên cấp 17 khi còn cách Quảng Ninh 550km về phía Đông Đông Nam. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới được xác định: Phía Bắc vĩ tuyến 16,0N; kinh tuyến 109,5E – 119,0E.
Sau khi đi vào đảo Hải Nam (Trung Quốc), gặp ma sát địa hình, siêu bão suy yếu nhẹ. Khi vào đến khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ, bão số 3 ở cấp 13, giật cấp 16. Sau đó, bão tiếp tục đi sâu vào đất liền Bắc Bộ.
Đáng chú ý, mặc dù bão số 3 đã mạnh lên thành siêu bão nhưng cơ quan khí tượng thuỷ văn quốc gia vẫn cảnh báo rủi ro thiên tai ở cấp 4, nghĩa là chưa đến mức rủi ro thiên tai thảm hoạ - cấp 5.
Trao đổi với PLO, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, cho biết, theo Quyết định 18/2021, rủi ro thiên tai cấp 5 - cấp thảm hoạ chỉ được áp dụng khi dự báo siêu bão từ cấp 16 trở lên hoạt động trên vùng biển ven bờ, đất liền khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ.
Hiện bão số 3 đã mạnh lên siêu bão nhưng bão vẫn đang hoạt động ở khu vực Bắc Biển Đông, khi tiến gần vào đất liền thì dự báo bão đã giảm cấp.
Siêu bão số 3 ảnh hưởng ra sao tới miền Bắc?
Siêu bão là cơn bão có sức gió mạnh nhất từ cấp 16 trở lên với sức phá hoại cực kỳ lớn, sóng biển cực kỳ mạnh, có thể đánh đắm tàu biển có trọng tải lớn. Với sức phá hoại khủng khiếp khi ở trên biển như vậy, siêu bão số 3 sẽ gây ra tác động thế nào tới đất liền miền Bắc nước ta, nơi bão đổ bộ?
Trao đổi với PLO, chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan, nguyên phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết dự báo siêu bão số 3 sẽ đi ngang qua đảo Hải Nam, gặp ma sát địa hình nên cường độ bão sẽ suy yếu 1-2 cấp. Sau đó, bão đi vào vịnh Bắc Bộ, cường độ có thể mạnh trở lại hoặc cũng có thể bão giữ nguyên cường độ và đi vào đất liền. Nghĩa là ở cả hai kịch bản, khi bão đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam vẫn còn rất mạnh.
“Trên Biển Đông vẫn thường ghi nhận các cơn siêu bão, vì ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên bão đổ bộ miền Bắc Việt Nam với cường độ mạnh như vậy là rất hiếm, rất nguy hiểm và chúng ta cần phải khẩn trương triển khai các công tác ứng phó” - bà Lan nhấn mạnh.
Tiếp tục phân tích về các tác động nguy hiểm, bà Lan cho hay vừa qua miền Bắc đã trải qua nhiều trận lũ, sạt lở gây thiệt hại nhiều về người và tài sản, nhiều khu vực ở Tây Bắc ngập sâu trong nước, đường xá hư hại nhiều. Trong khi đó, ảnh hưởng của bão số 3 lần này có thể gây mưa rất to tập trung trong thời gian ngắn, cục bộ có nơi đến 700-800mm trở lên, có thể bằng với lượng mưa của cả mùa mưa cộng lại.
“Trong phòng chống bão số 3 lần này, chúng ta cần đề phòng với gió mạnh, gió xoáy nên nhiều công trình hạ tầng như đê biển, nhà cửa của người dân, trụ điện, như hệ thống trụ điện đường dây 500kV ở miền Bắc vừa mới hoàn thành… có thể bị hư hại. Với khu vực miền Trung, cơn bão này chấm dứt nắng nóng ở Bắc Trung Bộ, nhưng kèm theo đó sẽ có các cơn gió giật mạnh, mưa to, lốc xoáy” - bà Lan khuyến cáo.
Ông Đinh Hữu Dương, Trưởng phòng dự báo thời tiết của Đài Khí tượng Thuỷ văn Khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, cũng cho hay dựa trên dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, dự kiến đêm ngày 6 đến ngày 7-9, khu vực Hà Nội bắt đầu chịu ảnh hưởng của bão số 3.
Đầu tiên là gió mạnh dần lên cấp 5-6, có thời điểm lên cấp 7, giật cấp 9. Kèm theo đó là mưa, tập trung trong ngày 7, 8-9. Tuy nhiên, cần lưu ý chiều ngày 6-9, rất khả năng ảnh hưởng rìa xa của bão, Hà Nội có thể xuất hiện đợt mưa giông mạnh gây đổ cây, đổ cột điện. Điều này đã từng xảy ra trong một số cơn bão trước đây,.
“Mưa tập trung trong thời gian ngắn có thể gây ra quá tải trong thoát lũ khu vực nội thành, gây ngập lụt ở nội thành trong 30 phút đến nhiều giờ đồng hồ. Ở ngoại thành cũng có thể xuất hiện ngập lụt ở vùng trũng thấp, khu vực vùng ven sông Tích, sông Bùi, trong đó chú ý là một số xã của huyện Chương Mỹ như Tốt Động, Nam Phương Tiến có thể ngập lụt sâu và kéo dài nhiều ngày” - ông Dương nói.