Bộ Tài chính cho biết, năm 2014 khối lượng vốn vay nợ công cho đầu tư phát triển kinh tế xã hội đạt khá, đã huy động được 627.800 tỉ đồng, trên 98% vốn vay được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng.
Việt Nam đã xây dựng kế hoạch và bố trí trả nợ đầy đủ, đúng hạn, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Tỉ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2013 là 15,2%, năm 2014 là 13,8% và năm 2015 dự kiến khoảng 16,1% (theo quy định là không quá 25%).
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Hải, Cục phó Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), nợ công đang tăng nhanh, cơ cấu nợ chưa thực sự bền vững, việc sử dụng các khoản vay ngắn hạn cho đầu tư dài hạn làm phát sinh rủi ro tái cấp vốn vào tạo ra áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn. Công tác quản lý nợ công còn phân tán, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ngành và địa phương gây khó khăn trong công tác giám sát chỉ tiêu an toàn nợ công. Việc huy động sử dụng vốn vay còn dàn trải, chưa gắn kết chặt chẽ với các hạn mức nợ công.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán tình hình thực hiện, chất lượng, hiệu quả dự án sử dụng vốn vay công chưa được thường xuyên. Kiểm tra, giám sát của các Bộ, địa phương đối với các chủ dự án chưa thực sự sâu sát. Nhiều dự án chậm tiến độ, có dự án hoàn thành nhưng không đạt mục tiêu đề ra, một số chủ đầu tư được Chính phủ bảo lãnh chưa thực hiện đúng quy định. Tình trạng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư so với phê duyệt ban đầu, điều chỉnh các hợp đồng diễn ra khá phổ biến. “Quy mô nợ công so với GDP đang ở mức cao, gần với ngưỡng Quốc hội cho phép (năm 2015 không quá 65% GDP - NV) trong khi nguồn lực còn hạn chế, nợ công có quy mô lớn là điều không thể tránh khỏi”- Đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Theo đồng hồ báo nợ toàn cầu The Economist cập nhật ngày 13-5, nợ công Việt Nam đang ở mức 89,29 tỉ USD. Với dân số ước tính 91 triệu người, mỗi người dân đang gánh nợ 982,07 USD. The Economist dự đoán nợ công Việt Nam sẽ tăng lên 97,35 tỉ USD vào năm sau, nghĩa là mỗi người dân sẽ gánh nợ 1.065 USD.