Môn văn, đạo văn và thói dối trá

Đề thi văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cũng là một trường hợp như vậy: “Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái đạo đức trong xã hội. Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên”.

Các sĩ tử sẽ phải làm rõ mối liên hệ giữa thói dối trá và sự suy thoái đạo đức, còn xã hội sẽ phải tự giải đáp câu hỏi của chính mình: Việc thói dối trá trở thành một đầu bài chiếm 30% số điểm của một kỳ thi quốc gia có phải là biểu hiện của sự dối trá đã trở thành phổ biến trong xã hội hay không?

Hãy nghe những lời sau đây của một người làm công tác nghiên cứu khoa học, môi trường mà về lý thuyết phải là một trong những nơi trung thực nhất trong xã hội: “Cơ chế chi tiêu quá chặt chẽ, muốn tiêu cái này nhưng không được mà phải tiêu cái khác. Bộ KH&CN quy định không cho mua thiết bị trong đề tài. Vậy là nếu cần phải mua thiết bị thì phải hợp thức hóa nó trên giấy tờ bằng cái khác. Ví dụ thực tế là mua can xăng, nhưng trên giấy tờ lại là mua nước mắm. Nó là sự xúc phạm đối với nhà khoa học. Cơ chế bắt buộc họ phải nói dối. ”. (PGS-TS Lê Mai Hương, Phó Viện trưởng Viện Hóa học và Các hợp chất thiên nhiên trả lời Bee.net.vn ngày 31-5)

Chưa hết, tuần qua giới học thuật Việt Nam lại một lần nữa rúng động bởi cái tên Lê Đức Thông (nguyên cán bộ nghiên cứu Viện Vật lý TP.HCM), bởi hai tạp chí khoa học quốc tế uy tín đã quyết định gỡ bỏ ba bài báo của ông này với lý do… đạo văn. Đây cũng là lý do khiến cho bốn bài báo khác của ông đăng trên các tạp chí quốc tế đồng loạt bị rút xuống vào năm 2010.

Trên thực tế, chỉ có ở nước ngoài, đạo văn - hay nói cách khác là dối trá trong học thuật - mới là chuyện to tát để phải gỡ bài như vậy. Bất kỳ sinh viên nào ở Việt Nam đều có thể kể vanh vách thủ thuật cắt-dán, xào xáo luận văn, bài tập. Bi kịch tương tự cũng xảy ra với nhiều thí sinh đang làm đề thi văn kể trên, khi “quay cóp” đã là chuyện thường ngày ở huyện. Không ai dám chắc với những tiền lệ và thực tế hiển nhiên đôi khi không được chính thức thừa nhận, thói dối trá có phải là hiện tượng dễ thấy từ giám thị đến thí sinh trong phòng thi năm nay hay không.

HỮU LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm