Một mâm ngũ quả đúng phải có đủ 5 màu của ngũ hành

(PLO)- Mâm ngũ quả là sự thể hiện, tượng trưng cho năm yếu tố của ngũ hành.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mâm ngũ quả là một mâm trái cây có khoảng năm loại quả khác nhau thường có trong ngày Tết Nguyên Đán của người Việt Nam. Mâm ngũ quả thường được chưng, bày trên bàn thờ tổ tiên hoặc trên bàn tiếp khách.

Mâm ngũ quả bày trên bàn thờ ngày Tết không chỉ khiến không khí Tết lan tỏa khắp nơi mà còn mang ý nghĩa tâm linh quan trọng.

Ngày nay, do sự phát triển của xã hội mâm ngũ quả cũng dần thay đổi và mang nhiều ý nghĩa hơn. Có lẽ do sự thay đổi đó mà nhiều người vẫn chưa hiểu rõ một mâm ngũ quả đúng với truyền thống sẽ như thế nào?

IMG_3541.jpeg
Không chỉ vào dịp Tết, mâm ngũ quả đôi khi cũng được sử dụng trong ngày cưới. Ảnh: Internet

Trao đổi với PV, TS Trần Long, nguyên giảng viên, Trưởng Bộ môn Văn hoá Việt Nam, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM cho biết theo văn hóa phương Đông nói chung và quan niệm của người Việt nói riêng, mâm ngũ quả là sự thể hiện, tượng trưng cho năm yếu tố của ngũ hành là Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ (theo triết học).

Ngũ hành chính là những yếu tố cấu thành nên vũ trụ, là sản phẩm trí tuệ mà cha ông đã để lại. Đó cũng là lý do mâm ngũ quả thường có 5 loại trái cây với 5 màu sắc khác nhau.

TS Long cho biết thêm, mâm ngũ quả của mỗi miền sẽ khác nhau vì mâm ngũ quả là nét đẹp văn hóa của người Việt ở cả 3 miền. Mọi người đều mong muốn dâng những sản vật vùng miền, những gì tinh túy nhất của trời đất dành cho ông bà, tổ tiên.

Đối với người dân miền Bắc, một mâm ngũ quả đẹp, đúng chuẩn phải là một mâm ngũ quả có các loại trái cây như: chuối xanh, bưởi, phật thủ, sung, hồng, quất cảnh, ớt, dứa,... với màu sắc rực rỡ nhưng phải hài hòa, đảm bảo đúng theo ngũ hành (Kim - màu trắng; Mộc - màu xanh lá; Thủy - màu đen; Hỏa - màu đỏ; Thổ - màu vàng).

IMG_3529.jpeg
Mâm ngũ quả thường thấy của miền Bắc. Ảnh: Internet

Với người miền Trung do thường xuyên gặp phải thiên tai, bão lũ, hạn hán quanh năm nên đất đai không được màu mỡ. Vì vậy, mâm ngũ quả của người miền Trung rất đơn giản, không câu nệ hình thức.

Các loại trái cây thường thấy trong mâm ngũ quả của người miền Trung là: thanh long, chuối, dưa hấu, mãng cầu, cam, quýt…

IMG_3531.jpeg
Mâm ngũ quả của miền Trung. Ảnh: Internet

Người miền Nam bày mâm ngũ quả theo mong muốn “Cầu sung vừa đủ xài”, mong muốn đó cũng thể hiện con người miền Nam không tham lam, không tích trữ, làm bao nhiêu thì tiêu bấy nhiêu…

Do đó, mâm ngũ quả của người miền Nam sẽ là những loại trái cây như: mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài.

IMG_3534.jpeg
Mâm ngũ quả "cầu sung vừa đủ xài" của người miền Nam. Ảnh: Internet

Ngoài ra, người miền Nam không dùng chuối hoặc cam quýt để bày mâm ngũ quả. Bởi họ quan niệm rằng chuối có phát âm giống như “chúi” (nghĩa là chúi nhủi, không ngẩng đầu lên được). Trong khi đó người miền Bắc, miền Trung lại quan niệm chuối mang ý nghĩa như bàn tay để che chở mang lại sự bình an, sung túc, đùm bọc

Còn quả cam, quýt tức là cam chịu, quỵt công, quỵt nợ… nên người miền Nam cũng sẽ không chưng loại quả này.

Cách để có mâm ngũ quả đẹp

Mâm ngũ quả thường sẽ được chưng khoảng 1 tuần, vậy nên không chọn những quả đã chín mềm, vì sẽ rất mau hư. Ngoài ra, sức nóng của nhang khi thắp sẽ khiến những loại quả này nhanh hỏng.

Nên chọn các quả còn xanh vào ngày 27, 28. Nếu không vội có thể chọn vào ngày 29, 30 và bày lên bàn thờ để giúp mâm ngũ quả đẹp, tươi vào ngày Tết.

Không rửa quả trước khi chưng vì sau khi rửa, hoa quả sẽ rất dễ hư. Do đó, sau khi mua quả mua về, có thể dùng khăn giấy lau nhẹ hết lớp bụi bẩn bên ngoài là được.

Bà Nguyễn Thị Út, người bán trái cây chưng ngày Tết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm