Vấn đề này có thể sẽ không được nhắc đến và sắp sửa thực hiện nếu không có những tranh cãi không đáng có sau vụ hậu vệ Quế Ngọc Hải vào bóng làm gãy chân đồng nghiệp Anh Khoa.
Lâu nay việc mua bảo hiểm thân thể cho cầu thủ thường bị các CLB ngó lơ, phần lớn do chi phí cao và ngay cả bản thân cầu thủ không được tư vấn đầy đủ về tầm quan trọng của nó. Cho đến sự vụ Quế Ngọc Hải có nguy cơ giải nghệ vì không có tiền bồi thường chi phí điều trị khoảng 800 triệu đồng cho Anh Khoa trong lúc cả hai CLB chủ quản của họ gồm SL Nghệ An và SHB Đà Nẵng đều có dấu hiệu phó mặc theo kiểu “thân ai nấy lo”.
Bóng đá là một loại hình lao động đặc biệt nhưng tiếc là sau hơn 15 năm làm chuyên nghiệp vẫn chưa có một quy định cụ thể nào về việc mua bảo hiểm cho cầu thủ cho dù tai nạn trên sân bóng rất dễ xảy ra. Thực tế cho thấy rất nhiều cầu thủ buộc phải tự bỏ tiền túi ra chạy chữa chấn thương hoặc bị cắt hợp đồng do không kịp hồi phục trong khi trách nhiệm của CLB là không cao. Điều này đã sinh ra một tiền lệ không chút hay ho trong làng bóng Việt Nam khi cầu thủ lỡ gây chấn thương cho đồng nghiệp bị bắt phải bồi thường toàn bộ tiền điều trị nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.
Đáng nói là ngay cả VFF cũng không phải là tấm gương về việc điều trị cho các tuyển thủ quốc gia với vô số trường hợp lên tuyển khỏe mạnh nhưng lỡ gặp chấn thương thì bị bỏ rơi theo kiểu “sống chết mặc bay”.
Vì thế việc VPF ở mùa bóng tới sẽ tìm cách mua bảo hiểm thân thể cầu thủ là một động thái tích cực dù muộn còn hơn không, để bảo đảm quyền lao động và thụ hưởng chính đáng cho giới quần đùi áo số.