Muốn báo chí mạnh, phải minh bạch thông tin

Sáng 24-12, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Quy hoạch lại để có nền báo chí mạnh

Phát biểu tại hội nghị, liên quan đến việc sắp xếp quy hoạch báo chí, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đã làm được một bước và cần có quá trình để tạo chuyển biến thực chất bên trong, không thể nóng vội.

 “Mục đích quy hoạch báo chí để báo chí phát triển, không chỉ là tiếng nói của từng cơ quan chủ quản mà còn của nhân dân” - ông Đam nói và lưu ý điều quan trọng nhất là việc ra các chính sách quản lý, sau khi bàn rồi thì làm cho nghiêm, thực chất, cái gì không phù hợp thì kiến nghị bổ sung điều chỉnh, tránh tình trạng văn bản như vậy nhưng thực tế lại không phải vậy.

Trong năm 2022, Phó Thủ tướng đề nghị phải có tổng kết đánh giá về nội dung này, mục đích cuối cùng là để báo chí phát triển, tránh chạy theo thị trường quá mức.

“Muốn báo chí tự chủ được thì phải tăng cường giao nhiệm vụ đặt hàng” - ông Đam nói và đề nghị Bộ TT&TT phải là đầu mối làm việc với các bộ, ngành để “đặt hàng” trước, trong và sau khi ban hành chính sách. Đó không nhất thiết phải là những cơ quan báo chí lớn, có uy tín mà quan trọng là phải có những nhóm độc giả mà chính sách cần tác động.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Để cạnh tranh thông tin với mạng xã hội, ông Vũ Đức Đam cho rằng các cơ quan nhà nước cần minh bạch thông tin nhanh nhất có thể. Muốn vậy, các cơ quan này không phải đợi báo chí tiếp cận, đưa tin mà cần phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí. “Khi báo chí chính thống được cung cấp thông tin minh bạch, sớm nhất thì nhân dân được lợi, công luận sẽ nghe theo” - ông Đam nói.

Liên quan đến chuyển đổi số trong báo chí, theo Phó Thủ tướng, “dữ liệu là sống còn”. Vấn đề không chỉ cơ sở dữ liệu của mình mà còn là năng lực xử lý dữ liệu, không chỉ dữ liệu ngành quản lý mà của tất cả bộ, ngành khác. “Bút sắc thì “sắc” bây giờ phải cao hơn một mức, mà là nói có sách mách có chứng, phải bằng dữ liệu. Đấy mới là cái “sắc” trong số hóa” - ông Đam chia sẻ.

Cạnh đó, ông Đam đề nghị Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam cần có chương trình hỗ trợ các cơ quan báo chí chuyển đổi số, xây dựng và xử lý cơ sở dữ liệu.

Giảm được 70 cơ quan báo chí

Báo cáo sơ kết ba năm thực hiện quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ TT&TT, cho biết đến nay đã giảm được 39 cơ quan báo thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tổ chức hội ở trung ương; giảm được 31 cơ quan báo chí thuộc các địa phương.

Được biết, năm 2019 có khoảng 195 đơn vị báo chí và như vậy đã giảm được 36% cơ quan báo. 

Khắc phục tình trạng xa rời tôn chỉ mục đích

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao vai trò quan trọng của báo chí trong công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương và đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, đặc biệt trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

 “Các nhà báo thực sự là những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch kịp thời phản ánh những tấm gương, hành động, nghĩa cử, giá trị cực kỳ cao quý, nhân văn của người dân Việt Nam. Có những nhà báo đằng sau là cả gia đình họ đã chịu nhiều vất vả trực tiếp, nhiều người bị nhiễm bệnh” - ông Đam nói.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá trong năm 2021, báo chí có vai trò rất lớn trước các sự kiện quan trọng của đất nước, nhất là trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị trong năm 2022, các cơ quan báo chí cần tiếp tục nâng cao nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò của báo chí cách mạng, phải là cơ quan ngôn luận của Đảng, diễn đàn của nhân dân. Kiên quyết khắc phục tình trạng rời xa tôn chỉ mục đích, lợi ích nhóm, gây phiền nhiễu cho doanh nghiệp.

Về công tác quản lý báo chí, ông Nghĩa đề nghị cần làm tốt hơn nữa. Các cơ quan khi cử PV chuyên ngành bám lĩnh vực, đi tác nghiệp thì phải cử người am hiểu, chưa am hiểu thì phải đi học.

 

Có trường hợp câu kết, sách nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp

Trước đó, báo cáo tại hội nghị, ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, cho biết bên cạnh những việc đã làm được thì hoạt động báo chí vẫn còn nhiều hạn chế và thiếu sót.

Đó là thông tin trên báo chí có nội dung chưa bao quát, toàn diện, chưa phản ánh đầy đủ hoạt động đa dạng của xã hội, còn nặng về phản ánh mặt trái, tiêu cực của xã hội. Việc giật “tít” phản cảm, sai lệch bản chất chưa có nhiều chuyển biến. Một số cơ quan báo chí hoạt động xa rời, không bám sát tôn chỉ mục đích; xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử không đều, thiếu liên tục và bền vững gây dư luận xấu trong xã hội.

Văn phòng đại diện, PV thường trú, cộng tác viên của một số cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích, vượt quá chức năng, nhiệm vụ được giao, gây phiền hà cho các cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước. “Có trường hợp vi phạm luật và đạo đức nghề nghiệp, câu kết với một số đối tượng xấu nhằm sách nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp, cơ quan, ép ký hợp đồng quảng cáo, đăng tải tin, bài thiên lệch quá nhiều vào mặt trái” - ông Lâm nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm