Trần ai chuyện đòi con sau ly hôn - Bài 3

Muốn giao con hiệu quả, phải thi hành án sớm

(PLO)- Các luật sư, chuyên gia góp ý các giải pháp để việc thi hành án giao con sau ly hôn mang lại hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Việc thi hành án (THA) giao con theo bản án tòa tuyên thường gặp khó khăn, bởi việc này liên quan đến các quyền công dân mà đặc biệt là quyền trẻ em cần được bảo vệ.

Làm thế nào để bảo vệ quyền trẻ em và không làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ khi cha mẹ của trẻ không còn sống chung với nhau sau bản án ly hôn là câu hỏi được không ít người trong cuộc đặt ra.

Sau những bài báo phản ánh thực tế trần ai chuyện đòi con sau ly hôn, chúng tôi nhận được một số ý kiến của các chuyên gia nêu các giải pháp để việc THA giao con sau ly hôn mang lại hiệu quả.

Luật sư LÊ THANH HÙNG, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Cần có hướng dẫn về cưỡng chế giao con

Theo quy định tại Điều 120 Luật THA dân sự, chấp hành viên ra quyết định buộc giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định...

Trường hợp người phải THA hoặc người đang trông giữ người chưa thành niên không giao con cho người được giao nuôi dưỡng thì chấp hành viên ra quyết định phạt tiền…

Chị OCL ở quận Gò Vấp, TP.HCM (một trong các trường hợp báo nêu trước đó) vẫn ngày đêm mong mỏi được đón con về nhà. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Chị OCL ở quận Gò Vấp, TP.HCM (một trong các trường hợp báo nêu trước đó) vẫn ngày đêm mong mỏi được đón con về nhà. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Như vậy, hiện nay chưa có văn bản, công văn hướng dẫn liên quan đến việc cưỡng chế đối tượng là quyền nhân thân.

Để việc THA giao con đạt hiệu quả cao, thứ nhất phải có hướng dẫn cụ thể liên quan đến biện pháp cưỡng chế đối với đối tượng cưỡng chế là con người.

Thứ hai, trong quá trình thực thi pháp luật, chấp hành viên thấy những vấn đề còn vướng mắc gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người được giao con cần có kiến nghị gửi đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét phương án giải quyết kịp thời.

Thứ ba, trong giai đoạn THA nên thực hiện tốt công tác hòa giải và thuyết phục các bên đương sự tự nguyện trong việc giao nhận con để hạn chế tối đa phải tổ chức thi hành cưỡng chế giao con.

Luật sư NGUYỄN SƠN LÂM, Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM:

Việc giao con càng kéo dài càng khó

Cái khó nhất trong việc THA giao con sau ly hôn là người phải THA tìm cách cản trở, ngăn cản, không tự nguyện giao con.

Để biện pháp THA giao con đạt hiệu quả cao thì ngay khi có đơn yêu cầu THA, cơ quan THA phải làm ngay, làm nhanh chóng, không để kéo dài. Bởi nếu để thời gian giao con càng lâu thì những đứa trẻ có thể bị ảnh hưởng lớn về tâm lý, chịu sự tác động về mặt suy nghĩ, hành động, nhận thức từ người phải THA. Đồng thời cũng có thể sẽ dẫn đến những mâu thuẫn phát sinh không đáng có giữa cha và mẹ đứa trẻ trong quá trình THA giao con.

Trước tiên, cơ quan THA phải thi hành quyết liệt theo bản án tòa tuyên. Cụ thể, nếu phía người phải giao con không thực hiện thì cơ quan THA nhanh chóng lập biên bản vi phạm, phạt vi phạm hành chính với hành vi không chấp hành án.

Trên cơ sở phạt hành chính, nếu người phải THA vẫn không thực hiện thì đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi không chấp hành theo bản án. Có như vậy thì người phải THA mới thực hiện nghĩa vụ giao con.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM:

Luật xử phạt đã có, cần thi hành nghiêm

Tại khoản 3 Điều 64 Nghị định 82/2020 quy định phạt tiền 3-5 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện công việc phải làm theo bản án, quyết định.

Nếu đã phạt vi phạm hành chính mà người đó vẫn không thực hiện thì đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án theo quy định tại Điều 380 BLHS với mức phạt tù có thể lên đến năm năm.

Như vậy, hiện nay pháp luật đã có quy định đầy đủ về những chế tài khi không thi hành theo bản án tòa tuyên.

Hiện nay giải pháp mà cơ quan THA hay làm là lập tổ vận động cho các đương sự tự nguyện thi hành.

Đó là về lý, còn về tình thì một đứa trẻ nếu xa cha hoặc xa mẹ phần nào sẽ có những tổn thương về tinh thần. Trước khi tòa đưa ra phán quyết cuối cùng, đã xem xét nhiều yếu tố về điều kiện cả vật chất lẫn tinh thần để làm sao trẻ ở với cha hay mẹ là tốt nhất. Bản án hôn nhân có hiệu lực thường sẽ được đưa ra vừa hợp tình vừa hợp lý.

Hơn hai năm đòi quyền lợi, con đã được giao cho mẹ

Ngày 15-2-2022, Pháp Luật TP.HCMcó đăng bài viết “Mỏi mòn chờ được giao con sau gần 2 năm ly hôn”, phản ánh trường hợp của bà ĐTTS (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) không được giao con sau hơn một năm có quyết định THA.

Cụ thể, tháng 1-2021, Chi cục THA TP Thủ Dầu Một đã ra quyết định THA nhưng ông T chồng cũ bà S vẫn không thực hiện theo bản án của tòa. Sau đó, Chi cục THA TP Thủ Dầu Một ra quyết định cưỡng chế, buộc ông T phải giao con cho người mẹ là bà S nuôi dưỡng. Tuy nhiên, tại buổi cưỡng chế, ông T không có mặt tại nơi ở nên việc cưỡng chế giao con không thành.

Cơ quan THA cũng đã nhiều lần thực hiện việc cưỡng chế giao con đối với ông T nhưng ông vẫn cố tình né tránh. Sau đó, cơ quan THA đã có công văn gửi đến Công an TP Thủ Dầu Một đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án đối với ông T.

Bà S cho biết đến tháng 5-2022 ông T đã thực hiện giao con cho bà S trực tiếp nuôi dưỡng cho đến nay.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…