Mỹ sẽ cứng rắn với Iran, Triều Tiên?

Sau hàng tháng trời đồn đoán, ông Rex Tillerson sáng 13-3 (giờ địa phương) chính thức bị Tổng thống Mỹ Donald Trump sa thải khỏi chức ngoại trưởng. Việc ông Tillerson ra đi sẽ ảnh hưởng thế nào đến chính sách đối ngoại tới đây của Mỹ, đặc biệt ở các điểm nóng Triều Tiên, Iran, Syria, Nga? Ông Mike Pompeo, Giám đốc CIA hiện tại, người được đề cử thay ông Tillerson sẽ bị thách thức đến mức nào với các điểm nóng này? Theo CNBC, chính sách của Mỹ với các nước đối đầu như Triều Tiên, Syria, Nga, Iran có thể sẽ cứng rắn hơn khi ông Pompeo được cho là có cách tiếp cận hiếu chiến và bảo thủ hơn.

Rủi ro với cuộc gặp Triều Tiên

Vấn đề Triều Tiên vẫn còn sóng gió dù ông Trump đã đồng ý gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong tháng 5 tới. Tờ The Washington Post dẫn lời các quan chức Nhà Trắng cho biết ông Trump muốn có sự thay đổi về nhân sự giữa lúc ông chuẩn bị đối thoại với Triều Tiên và các cuộc thương lượng thương mại sắp tới. Tuy nhiên, theo Jon Walfsthal, cựu thành viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, bước đi này cho thấy ông Trump hành động không có chiến lược.

Theo ông Michael McFaul, cựu đại sứ Mỹ tại Nga (2012-2014), việc ông Trump sa thải ông Tillerson trong thời điểm chuẩn bị bước vào giai đoạn thương lượng ngoại giao quan trọng nhất trong nhiệm kỳ tổng thống là rất đáng ngại. Hơn thế nữa, ông Pompeo lại không hề có kinh nghiệm ngoại giao. Bản thân ông Pompeo có quan điểm cứng rắn với Triều Tiên, từng đề cập khả năng thay đổi thể chế Triều Tiên và từng ủng hộ cân nhắc khả năng quân sự với Triều Tiên. Theo CNN, cộng đồng thế giới đang mong chờ ông Pompeo thể hiện vai trò hiện thực hóa cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Kim, tháo gỡ thế bế tắc quanh chương trình hạt nhân-tên lửa Triều Tiên. Tuy nhiên, theo ông Walfsthal, ông Pompeo không được chuẩn bị tốt để phối hợp các chính sách khu vực và toàn cầu, giúp cuộc gặp thượng đỉnh thành công.

Ông Mike Pompeo (phải) đối diện nhiều thách thức về chính sách đối ngoại Mỹ sau khi thay thế ông Tillerson. Ảnh: REUTERS

Thỏa thuận Iran có thể sụp đổ?

Ông Tillerson là một trong những nhân vật nhiệt thành bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran. Đó là lý do tại sao trong ngày 13-3, khi ông Tillerson đã nhận được yêu cầu từ chức, trợ lý hàng đầu của ông là Brian Hook vẫn lên đường sang Áo gặp các đối tác nhóm P5+1 (Đức và các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc) tìm cách làm hài lòng ông Trump. Ngày 12-5 sẽ là thời hạn cuối ông Trump xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận và quyết định có khôi phục trừng phạt Iran hay không.

Ngược lại, ông Pompeo là quan chức cấp cao Nhà Trắng nổi bật nhất khuyến khích ông Trump hủy bỏ thỏa thuận và từng ủng hộ thay đổi thể chế Iran. Theo Viện Trung Đông, ông Pompeo rất sẵn lòng tạo nền xung đột quân sự giữa Mỹ và Iran. Còn tờ Politico cho rằng việc ông Pompeo thay thế ông Tillerson sẽ mở đường cho ông Trump hủy bỏ thỏa thuận.

Theo nhiều chuyên gia, việc ông Trump rút khỏi thỏa thuận Iran sẽ được xem như một thất bại ngoại giao của Mỹ trong con mắt của giới lãnh đạo Triều Tiên. Nếu Mỹ không thể hiện được mình tôn trọng thỏa thuận hạt nhân Iran, đối thoại giải trừ hạt nhân giữa Mỹ với Triều Tiên sẽ không có kết quả vì ông Kim Jong-un sẽ không tin được Mỹ.

Vấn đề quan hệ Nga-Mỹ

Ông Pompeo có thể sẽ phải đau đầu với di sản chính sách hỗn độn và không hiệu quả của Mỹ hiện nay ở Syria. Đến thời điểm này, ông Trump vẫn giữ lập trường đứng ngoài nội chiến Syria, nhường ảnh hưởng tại đây cho Nga và Iran. Trong khi đó, ông Pompeo thường xuyên chỉ trích sự hiện diện của Iran và Nga tại Syria và là một người muốn thách thức Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Theo Viện Trung Đông (Mỹ), việc ông Pompeo lãnh đạo Bộ Ngoại giao sẽ là tin vui với những ai muốn Mỹ có vai trò lớn hơn trong khủng hoảng Syria. Tuy nhiên, đây cũng là nguy cơ lớn cho sự đối đầu giữa ông Pompeo và ông Trump, vì ông Trump không còn đặt nặng việc thay đổi chính phủ Syria. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng sẽ cần phải gắn kết lại với Thổ Nhĩ Kỳ, với châu Âu và với Nga nhằm đạt thỏa thuận bảo đảm tối thiểu kiểm soát được trục Iran-Nga ở Trung Đông.

Ông Pompeo cũng từng nêu các quan điểm cứng rắn về Nga trước khi trở thành giám đốc CIA. Tuy nhiên, khi chấp nhận làm cấp dưới ông Trump, ông Pompeo đã giảm nhẹ quan điểm cho phù hợp hơn với ông Trump.

Kênh CNN dẫn nhận định nhiều nhà phân tích rằng khả năng tới đây có thay đổi lớn về chính sách với Nga hầu như không có.

Thay thế Ngoại trưởng Rex Tillerson đi cùng với việc thay thế hai vị trí quan trọng khác. Ông Mike Pompeo nhận chức ngoại trưởng, nhường vị trí giám đốc CIA cho bà Gina Haspel, hiện là phó giám đốc CIA. Nếu được Thượng viện phê chuẩn đề cử, bà Haspel sẽ là phụ nữ đầu tiên lãnh đạo CIA. Khả năng phê chuẩn chưa chắc chắn khi theo Reuters, khả năng lớn toàn bộ thượng nghị sĩ Dân chủ và không ít nghị sĩ Cộng hòa sẽ phản đối. Dù bà Haspel được sự ủng hộ của cộng đồng tình báo Mỹ nhưng lại đối mặt với chỉ trích vì giám sát một nhà tù bí mật của CIA ở Thái Lan có tra tấn tù nhân. Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain ngày 13-3 lên tiếng rằng bà Haspel phải làm rõ chuyện này.

_______________________

“Với việc sa thải người đứng đầu Bộ Ngoại giao, ông Trump đã trưng bày sự thiếu hụt năng lực của Mỹ về ngoại giao trước toàn thế giới” - nghị sĩ dân chủ Mỹ Tim Kaine chỉ trích quyết định của ông Trump.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm