Theo tờ Bloomberg, tính từ hôm 25-3 đến nay, Mỹ đã có những bước đi hết sức táo bạo khi tiến hành đưa tàu chiến đi qua Eo biển Đài Loan, sau lần tuần tra thứ nhất qua vùng biển này vào tháng 2-2019.
Trước đó, ngày 26-3, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tổ chức cuộc gặp mặt những người Duy Ngô Nhĩ tị nạn tại trụ sở của bộ. Tất cả những động thái này đều bị phía Trung Quốc chỉ trích như những hành động cố ý can thiệp vào các vấn đề nội bộ của họ trước thềm cuộc gặp mặt giữa Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại nước này, ông Robert Lighthizer tại thủ đô Bắc Kinh để tiếp tục tiến trình thương thuyết giữa hai nước.
Hình ảnh tàu chiến Mỹ trong đợt tuần tra qua Eo biển Đài Loan tháng 2-2019. Ảnh: REUTERS
Theo quan sát của các chuyên gia, trong cả ba lần đoàn đàm phán của Mỹ đến Bắc Kinh, Hải quan nước này đều tổ chức các đợt tuần tra xuyên qua các khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Tuy rằng vẫn chưa biết được liệu các hoạt động quân sự này có phải là hình thức mà Mỹ dùng để chiếm ưu thế trong quá trình đàm phán, nhưng nhìn chung các chuyên gia đều đồng ý rằng đây là cách Washington kiểm tra đâu là giới hạn thật sự của Trung Quốc.
Thêm vào đó, những động thái này cho thấy hình ảnh của một đại chiến lược đang dần hình thành của Mỹ, lớn hơn và quan trọng hơn rất nhiều so với những mâu thuẫn thương mại ở hiện tại.
Hôm 21-3, Nhà Trắng đã bật đèn xanh và sẵn sàng bán cho Đài Loan số chiến đấu cơ F-16 của nước này. Đồng thời, ông Trump cũng phát đi thông điệp khuyến nghị tất cả các đồng minh của Mỹ dừng sử dụng tất cả các thiết bị viễn thông do các tập đoàn Trung Quốc như Huawei sản xuất với những lo ngại về khả năng xâm phạm an ninh.
Về phía Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách hết sức kiềm chế, tránh đối đầu trực diện với Mỹ trên mọi lĩnh vực. Trong một bài phát biểu vào tháng 1-2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho thấy ông muốn tập trung vào giải quyết các vấn đề nội bộ của nước này, khi cảnh báo về các bất ổn trong kinh tế và chính trị có thể đe doạ đến sự tồn vong của đất nước. Vì vậy, phía Trung Quốc càng có nhiều lí do để kết thúc cuộc chiến thương mại với Mỹ càng sớm càng tốt.
Wang Dong, một chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Pangoal tại Bắc Kinh, nhận định chính sách ngoại giao hiện tại của Mỹ mang màu sắc “ngoại giao chiến hạm” của các nước đế quốc thế kỷ 19. Theo đó, chính sách này bao gồm việc dùng sức mạnh hải quân vượt trội của phương Tây để ép các nước châu Á mở cửa làm ăn với họ.
“Mặc dù ý định của Mỹ khi làm việc này là nhằm gửi đi một thông điệp nào đó cho Trung Quốc, tôi vẫn nghĩ đây là một việc làm không hiệu quả” - Hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Wang. “Trung Quốc không phải là Iraq hay Venezuela. Mỹ sẽ không thể bắt [Trung Quốc] làm theo ý mình muốn bằng chính sách ngoại giao chiến hạm như hiện tại”- vị này nói thêm.
Tuy nhiên, động thái ủng hộ Đài Loan của Mỹ dường như là một vấn đề mà Trung Quốc dù cố gắng cũng không thể nào giữ im lặng. Trước thương vụ mua chiến đấu cơ của F-16 của Đài Loan vào tuần trước, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng, cảnh báo Mỹ nên “cẩn thận và thận trọng đối với vấn đề Đài Loan, tránh để việc này gây ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Mỹ và Trung Quốc trên các lĩnh vực quan trọng cũng như làm ảnh hưởng đến hoà bình và ổn định khu vực Eo biển Đài Loan”.
“Chúng tôi kêu gọi phía Mỹ nhận thức đầy đủ tính chất quan trọng và nhạy cảm của vấn đề này” - Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.