Ngày 2-6, nghị quyết trừng phạt Triều Tiên do Mỹ và Trung Quốc soạn thảo và lần đầu tiên thống nhất đã được Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ bỏ phiếu thông qua.
Mỹ và Trung Quốc đã mất năm tuần thương lượng soạn thảo nghị quyết và được cả 15 thành viên HĐBA thông qua. Lá phiếu ủng hộ của Nga rất được chú ý khi nước này ngày trước đó vừa bị Mỹ đơn phương trừng phạt vì giúp đỡ Triều Tiên.
Phiên bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an LHQ ngày 2-6 thông qua nghị quyết trừng phạt Triều Tiên. Ảnh: REUTERS
Nghị quyết trừng phạt lần này khá khiêm tốn, mở rộng danh sách các cá nhân bị phong tỏa đi lại và tài sản. Đối tượng bị trừng phạt lần này là bốn cơ quan, tổ chức Triều Tiên, trong đó có Ngân hàng Koryo, Lực lượng Tên lửa chiến lược của quân đội Triều Tiên và 14 cá nhân, trong đó có lãnh đạo chiến dịch tình báo nước ngoài của Triều Tiên.
Các biện pháp trừng phạt này có thể chỉ cần được Ủy ban Trừng phạt Triều Tiên duyệt mà không cần thông qua sự bỏ phiếu của các thành viên HĐBA. Tuy nhiên, Mỹ đã thuyết phục Trung Quốc đồng ý một cuộc bỏ phiếu công khai để nhấn mạnh thái độ của HĐBA với việc Triều Tiên liên tục thử tên lửa đạn đạo.
Tại phiên bỏ phiếu, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley dù khẳng định Mỹ mong muốn một giải pháp ngoại giao, hòa bình cho vấn đề Triều Tiên nhưng cho biết không loại trừ mọi biện pháp khác nếu cần thiết.
Phó Đại sứ Anh tại LHQ Peter Wilson (trái) và Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley bỏ phiếu thuận thông qua nghị quyết trừng phạt Triều Tiên ngày 2-6. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Lưu Kết Nhất cho rằng đây là thời điểm then chốt để các bên nắm lấy cơ hội tìm kiếm đối thoại và thương lượng giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Ông Lưu yêu cầu các bên kiềm chế, nỗ lực nhiều hơn để giảm căng thẳng và xây dựng lòng tin lẫn nhau.
Ông Lưu một lần nữa nhắc lại đề xuất của Trung Quốc, rằng Triều Tiên ngưng các chương trình hạt nhân và tên lửa đồng thời với việc Mỹ và Hàn Quốc ngưng các cuộc tập trận chung. Phía Nga cho rằng đề xuất này nên được “đặc biệt cân nhắc”.
Đây là nghị quyết trừng phạt quốc tế đầu tiên với Triều Tiên dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Việc Trung Quốc thống nhất với Mỹ về nghị quyết trước khi bỏ phiếu rất đáng chú ý khi Trung Quốc là đồng minh duy nhất của Triều Tiên.
Đại sứ Nga tại LHQ Vladimir Safronkov bỏ phiếu thuận thông qua nghị quyết trừng phạt Triều Tiên ngày 2-6. Ảnh: REUTERS
Reuters dẫn thông tin từ một số nhà ngoại giao cho biết Trung Quốc đang để mở khả năng áp một số biện pháp trừng phạt mạnh lên Triều Tiên nếu nước này một lần nữa thử tên lửa tầm xa hoặc thử hạt nhân. Đó có thể là cấm vận dầu mỏ, cấm vận hàng không.
Kiềm chế các chương trình vũ khí của Triều Tiên đã trở thành một ưu tiên an ninh của Mỹ khi Triều Tiên gần đây liên tục thử tên lửa và đe dọa sắp phát triển được tên lửa xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân có thể bắn đến lục địa Mỹ. Ngoài cảnh cáo sẽ sử dụng mọi biện pháp với Triều Tiên, chính phủ Trump nhiều tháng nay đã tích cực vận động và cả nhượng bộ để Trung Quốc tăng áp lực với Triều Tiên.
Lần cuối cùng HĐBA ra nghị quyết trừng phạt Triều Tiên là vào cuối năm 2016, sau lần thử hạt nhân thứ năm của Triều Tiên vào tháng 9-2016. Lần đó HĐBA đã phải mất ba tháng thương lượng.