Năm 2023, cần loại bỏ các phương thức tuyển sinh đại học không hiệu quả

(PLO)-  Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã lưu ý các trường đại học xem xét giảm phương thức tuyển sinh, theo hướng phương thức nào ít tác dụng nên tinh giảm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Ngày 30-11, tại buổi họp giao ban quý 4 về công tác tuyển sinh và đào tạo khối đại học và CĐ sư phạm, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) đã thông tin về công tác tuyển sinh trình độ đại học năm 2022.

Theo đó, kết thúc tuyển sinh đợt 1, số liệu thí sinh (TS) trúng tuyển và nhập học đã thể hiện kết quả rất khả quan.

Hơn 100.000 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học

Thống kê riêng khối đại học cho thấy, trong số 564.735 TS trúng tuyển đã có 463.123 nhập học, bằng 90% số nhập học của cả năm 2021 và vượt số lượng của cả năm 2020.

Trong số 224 cở sở đào tạo (CSĐT) đầu mối, 149 CSĐT (66,5%) có tỉ lệ nhập học tính trên số trúng tuyển đạt trên 80% và chiếm 76,6% tổng số nhập học của toàn quốc. Tổng số TS nhập học toàn quốc đã đạt xấp xỉ 80% tổng chỉ tiêu, trong đó 113 CSĐT (50,4%) đã tuyển được trên 80% chỉ tiêu.

Công tác tuyển sinh năm 2022 cơ bản được giữ ổn định như năm 2021 và các năm gần đây. Có một số điều chỉnh kỹ thuật, trong đó có việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyển sinh nhằm tạo thuận lợi, bảo đảm quyền lợi, sự công bằng cho thí sinh và các cơ sở đào tạo (CSĐT).

Đặc biệt, toàn bộ quy trình đăng ký dự tuyển, thanh toán lệ phí, tổ chức xét tuyển và xử lý nguyện vọng, xác nhận nhập học được thực hiện trực tuyến trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung.

Theo bà Thủy trong số 564.735 TS trúng tuyển đã có 463.123 nhập học, bằng 90% số nhập học của cả năm 2021. Ảnh: PHI HÙNG

Theo bà Thủy trong số 564.735 TS trúng tuyển đã có 463.123 nhập học, bằng 90% số nhập học của cả năm 2021. Ảnh: PHI HÙNG

TS được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường khác nhau, sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT và đã biết ngưỡng điểm xét tuyển do các CSĐT công bố. Tất cả nguyện vọng của thí sinh trong đợt xét tuyển chính (đợt 1) được xử lý tập trung trên hệ thống để xác định ngành và trường mà TS trúng tuyển theo nguyện vọng ưu tiên cao nhất.

TS được hưởng lợi nhiều nhất khi thuận tiện thực hiện các thủ tục trên hệ thống trực tuyến, đồng thời được bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao nhất vào ngành, trường theo nguyện vọng và năng lực.

Bộ GD&ĐT có dữ liệu đầy đủ, kịp thời và tin cậy về tuyển sinh của tất cả CSĐT phục vụ nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước, đồng thời hỗ trợ các CSĐT điều chỉnh chiến lược và phương thức tuyển sinh.

Nhiều phương thức không hiệu quả, mất công bằng

Cũng tại đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã lưu ý các trường đại học xem xét giảm phương thức tuyển sinh, theo hướng phương thức nào ít tác dụng nên tinh giảm. Việc này không phải do bộ đặt ra mà bộ đề nghị các trường xem xét.

Theo ông Sơn, vừa rồi bộ tổng hợp 20 phương thức do các trường đề xuất lên thấy cần phải xem xét vì có nhiều phương thức không hiệu quả, thậm chí gây mất công bằng.

Khi nhìn phổ điểm, đối sánh giữa phương thức dựa trên học bạ và dựa trên điểm tốt nghiệp THPT có sự chênh lệch đáng kể. Do đó, các trường cần cân nhắc trong việc lựa chọn các phương thức khác nhau, một mặt đảm bảo hiệu quả và quan trọng nhất tuyển sinh phải đảm bảo tin cậy, công bằng giữa các thí sinh.

Ông Sơn đề nghị các trường phải rà soát lại, phân tích kết quả tuyển sinh và kết quả học tập của sinh viên để có điều chỉnh trong năm 2023. Cố gắng đơn giản hóa cho TS để đến năm 2023 trên phần mềm TS không cần phải lựa chọn phương thức nữa. Việc này hệ thống có thể làm được.

TS chỉ chọn ngành, chương trình đào tạo, không cần phải chọn phương thức. Hệ thống chung và hệ thống của các trường phải có cách lọc để TS căn cứ đăng ký vào ngành sẽ tự động xem phương thức nào các em đạt điều kiện tốt nhất để tránh việc phải lựa chọn phương thức xét tuyển.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm