Với những gì ngành GD&ĐT đã nỗ lực thực hiện trong năm học qua, có thể kỳ vọng năm học mới này sẽ tiếp tục có nhiều thay đổi theo hướng tích cực.
Thật vậy, cần khách quan nhìn nhận năm học vừa qua là năm học có nhiều đổi mới của ngành GD&ĐT. Đó là việc triển khai thực hiện Thông tư 30 với việc không cho điểm HS tiểu học, thay vào đó là chỉ nhận xét mức độ hoàn thành và tiến bộ của các em. Đó là việc đổi mới thi THPT quốc gia với việc sát nhập hai kỳ thi THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ làm một. Đó là việc ban hành dự thảo chương tình giáo dục tổng thể làm tiền đề cho việc biên soạn sách giáo khoa mới…
Tất nhiên cái mới nào cũng đi kèm với không ít khó khăn, thách thức. Nhiều nhà giáo dục không ngần ngại nói năm học vừa qua là năm học đầy “sóng gió” của ngành GD&ĐT cả nước. Và các chuyên gia giáo dục cùng người dân đã mạnh dạn đóng góp ý kiến và ngành giáo dục đã nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu và tổ chức xem xét chấn chỉnh.
Trên cơ sở đó, xã hội tin tưởng năm học mới sẽ có nhiều thay đổi để kỳ vọng. Thay đổi có thể thấy ngay trong ngày khai giảng là hầu hết các trường học trong cả nước đổi mới cách tổ chức theo hướng ngắn gọn nhưng ý nghĩa, đó là ngày hội thật sự dành cho HS.
Cũng trong năm học mới này, bộ trưởng Bộ GD&ĐT ra chỉ thị kêu gọi mọi cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục hãy làm hết trách nhiệm trong công việc trồng người, nhất là trong giai đoạn toàn ngành chuyển mình mạnh mẽ để quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 29 về đổi mới toàn diện GD&ĐT. Theo đó ông đề nghị các thầy cô mạnh dạn thay đổi khâu kiểm tra, đánh giá theo hướng khuyến khích HS phát huy tính sáng tạo của mình, đồng thời tạo điều kiện cho HS được trải nghiệm sáng tạo nhiều hơn.
Ở góc độ khác, người dân ai cũng mong muốn con em họ được học trong những ngôi trường khang trang, đầy đủ phương tiện, mong ổn định học phí, thi cử nhẹ nhàng... Đó cũng là những mục tiêu mà ngành GD&ĐT hướng tới trong năm học mới này.
QUANG ÂN