Ngày 20-4, Hội đồng NATO-Nga có cuộc hội đàm tại Brussels (Bỉ) nhằm bàn về tình hình Ukraine, Afghanistan và bàn cách tránh các sự cố quân sự giữa hai bên có nguy cơ dẫn tới chiến tranh, theo báo Guardian (Anh).
Thành phần gồm đại sứ 28 nước NATO và phái đoàn của Nga do đại sứ Nga tại NATO Alexander Grushko dẫn đầu.
Cuộc hội đàm diễn ra trong ba tiếng rưỡi, kéo dài hơn 90 phút so với dự tính. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa NATO và Nga kể từ sau khi NATO ngưng hợp tác với Nga từ tháng 6-2014 vì Nga sáp nhập Crime và ủng hộ phe nổi dậy Ukraine.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg họp báo sau hội đàm. (Ảnh: AFP)
Họp báo sau hội đàm, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết cuộc gặp diễn ra rất nghiêm túc với sự thẳng thắn của cả hai bên. Tuy nhiên, cuộc gặp đã không thể giúp giải quyết các bất đồng sâu sắc và dai dẳng giữa NATO và Nga.
Theo ông Jens Stoltenberg, tại cuộc hội đàm, các thành viên NATO một lần nữa khẳng định quan điểm của NATO là ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, không công nhận Nga sáp nhập Crime.
NATO đang rất lo ngại tình trạng vi phạm thỏa thuận ngừng bắn ở đông Ukraine những ngày gần đây, cũng như các sự cố mất an ninh của các thành viên giám sát tình hình Ukraine thuộc Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu (OSCE).
Tuy nhiên, các thành viên NATO thống nhất nhanh chóng thực hiện toàn diện thỏa thuận Minks đã ký năm 2014 để chấm dứt xung đột Ukraine.
Máy bay chiến đấu Nga Sukhoi Su-24 tiếp cận tàu chiến Mỹ USS Donald Cook ở cự ly gần tại biển Baltic ngày 12-4. (Ảnh: REUTERS)
Theo ông Jens Stoltenberg, hai bên vẫn rất cần thiết duy trì các kênh thông tin và đối thoại để giảm rủi ro xảy ra các sự cố quân sự, dù cuộc hội đàm này không có nghĩa NATO đã trở lại quan hệ hợp tác bình thường như trước với Nga.
Trước hội đàm, ông Jens Stoltenberg cho biết cuộc gặp đặc biệt quan trọng vì diễn ra không lâu sau khi Mỹ tố cáo máy bay chiến đấu Nga quấy rối tàu chiến Mỹ ở biển Baltic.
Tại hội đàm, đại sứ Nga tại NATO Alexander Grushko nói rằng sở dĩ xảy ra sự việc là vì tàu chiến Mỹ đi vào vùng biển gần tỉnh Kaliningrad - một lãnh thổ của Nga nằm ở giữa Ba Lan và Lithuania phía bắc biển Baltic. Theo ông, sự hiện diện của tàu chiến Mỹ tại đây rõ ràng là muốn gây áp lực lên Nga.
Đại sứ Nga tại NATO Alexander Grushko tại cuộc hội đàm. (Ảnh: REUTERS)
Theo ông Alexander Grushko, quan điểm của Nga là nếu NATO không có động thái xuống thang hành động quân sự tại các khu vực gần Liên bang Nga thì hai bên sẽ không thể có bất kỳ cuộc đối thoại nào nhằm tìm các biện pháp xây dựng niềm tin cho hai bên. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng đã đề cập điều này hồi đầu tuần, theo báo RT (Nga).
Ông Alexander Grushko cho rằng dù không mang lại kết quả cụ thể nào nhưng bản thân việc diễn ra cuộc hội đàm này vẫn rất có giá trị với hai bên, “Cuộc hội đàm này có vẫn hơn không".
Dù hai bên đã không thống nhất được các bất đồng chính nhưng theo báo Wall Street Journal (Mỹ), cuộc gặp là dấu hiệu cho thấy hai bên đều có thiện chí muốn cải thiện quan hệ.
Hội đồng NATO-Nga được lập từ năm 2002, là một diễn đàn tham vấn giữa hai cựu đối thủ thời kỳ Chiến tranh lạnh.