Ngày 21-9, chiến dịch “Tử tế là” đã kết thúc bằng ngày hội “Tôi chọn tử tế” diễn ra tại Trường THPT Việt Đức (Hà Nội). Hoạt động chính của sự kiện này chính là việc trao tặng những “chiếc vòng tử tế” cho các cá nhân, đại diện cho 100 người ở Hà Nội và TP.HCM.
Tử tế từ việc nhỏ
“Mọi người có nghĩ xã hội của chúng ta không còn sự tử tế nữa không?”, câu hỏi của người dẫn chương trình mở đầu cho buổi lễ được trả lời bằng một khoảng lặng. Lúc sau mới có tiếng nói ngập ngừng phát ra từ đám đông: ... Không.
Để trả lời cho câu hỏi này, ban tổ chức đã cho trình chiếu một bộ phim ngắn. Bộ phim kể về một cậu bé bắt gặp cảnh hai mẹ con đang ăn xin bên đường trước sự hờ hững của mọi người. Cậu bé tiến lại gần, cậu định cho hai mẹ con 10.000 đồng còn lại, tuy nhiên nghĩ đến việc phải trả tiền vá chiếc xe vừa thủng ruột, cậu rút lại rồi đưa cho hai mẹ con chai nước mình chưa kịp uống. Vẫn day dứt trước cảnh tượng đó, cậu liền rút trong túi quần ra một chiếc kèn harmonica và bắt đầu thổi. Tiếng kèn thu hút sự chú ý của mọi người, có người dừng lại, có người đến bên cậu, có người đánh đàn hòa vào việc làm của cậu… hai mẹ con người ăn xin lập tức được chú ý và nhận được sự chia sẻ. Người dẫn chương trình kết luận sau khi bộ phim kết thúc: Sự tử tế bằng cách này hay cách khác vẫn tồn tại trong cuộc sống của chúng ta.
Các em nhỏ trao chiếc vòng tử tế cho các cá nhân được lựa chọn. Ảnh: V.THỊNH
Cũng chung mạch chuyện này, những cá nhân đại diện cho 100 người được lựa chọn để nhận “chiếc vòng tử tế” đã chia sẻ trải nghiệm của bản thân.
Anh Lương Thế Huy (chuyên gia về quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới) kể lại rằng anh đã có ý thức phân loại rác tại nguồn từ lâu nhưng rồi khi những túi rác đó được đưa đến thùng rác, tất cả cũng được gom vào làm một. “Tôi nghĩ việc làm của mình vô nghĩa nhưng khi đó tôi nhớ đến những người bới rác và nghĩ rằng nếu mình phân loại những thứ họ có thể bán được thì sẽ giúp họ rút ngắn cuộc mưu sinh” - anh Huy chia sẻ.
Còn nhà văn Trang Hạ lại bắt đầu từ một vụ đụng xe giữa cô và một anh chàng mà cô gọi với danh xưng là thằng say rượu. “Một buổi tối, trên đường đi học, tôi bị một thằng say rượu đâm vào mình, cả hai xe bị hỏng. Xe tôi bị nhẹ, sửa xong trước nên tôi về thẳng nhà. Về đến nơi tôi mới nghĩ khổ tâm cho thằng đâm xe vào mình nên ra mua thuốc rồi quay lại chỗ sửa xe đưa cho thằng kia, hắn rất ngạc nhiên… Sau đó hai tuần bọn mình yêu nhau, ở bên nhau đến tận hôm nay và có ba đứa con. Nếu lúc đó tôi tay chống nạnh và bảo anh kia là mắt mũi để đâu thế hả… thì chắc bây giờ tôi vẫn đang là gái ế” - nhà văn Trang Hạ dí dỏm kể.
Con đường của sự tử tế
Anh Hoàng Đức Minh, Giám đốc Tổ chức Hành động vì tương lai - Action4Future, một trong những người khởi xướng chiến dịch, bày tỏ: “Chúng tôi muốn mọi người suy nghĩ về giá trị sống tử tế, từ đó cố gắng thúc đẩy họ hành động theo giá trị sống tử tế mà họ tự định nghĩa và cuối cùng là làm cho xã hội tử tế hơn”.
Một điểm nhấn trong chuỗi sự kiện này là hoạt động trưng bày nghệ thuật sắp đặt với chủ đề “sống tử tế”. Ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế, Xã hội và Môi trường (iSEE), một trong những đơn vị thực hiện dự án, chia sẻ: “Người xem sẽ bước qua con đường với những điều tử tế đã được học trong nhà trường, những câu răn dạy giáo điều, những cuốn sách đạo đức... Ra khỏi đó, chúng ta lại đến với một con đường trải đầy những sự thiếu tử tế ngoài xã hội như rác vứt bừa bãi, bạo hành trẻ em, giành nhau khi ăn buffet, “hôi” bia…”.
Tiếp theo, người xem sẽ đến với con đường nơi có những người cần mẫn thực hiện những hành động tử tế của mình. Bên cạnh là chia sẻ của những bạn trẻ về những điều tử tế mà mình nhận được từ cộng đồng. Những con đường hướng cho người xem thực hiện điều tốt đẹp đối với bản thân và cộng đồng.
VIẾT THỊNH
Chiến dịch “Tử tế là” hoạt động do Viện Nghiên cứu Kinh tế, Xã hội và Môi trường chủ trì phát động nhằm hướng mọi người suy nghĩ về giá trị của sự tử tế và thực hành giá trị đó trong đời sống. “Chiếc vòng tử tế” là tên gọi của 100 chiếc vòng đặc biệt trong chiến dịch được trao cho những người có uy tín trong cộng đồng như bà Tôn Nữ Thị Ninh, MC Diễm Quỳnh… Mỗi chủ nhân của 100 chiếc vòng cam kết sẽ thực hiện một điều tử tế trong vòng bốn ngày từ ngày nhận vòng, đồng thời chia sẻ lại câu chuyện rồi chuyển giao chiếc vòng cho một người khác. Bạn đọc có thể cùng theo dõi các câu chuyện, hành trình của từng chiếc vòng qua website http://chiecvongtute.net. |