Ngân hàng Nhà nước khẳng định thành tựu ổn định kinh tế vĩ mô

(PLO)- Cuối năm nhìn lại, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tự tin khẳng định các công cụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2022 đặc biệt khó khăn này đã được vận hành đúng, mang lại hiệu quả tích cực.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 28-12, NHNN đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023. Hội nghị có sự tham gia của Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và lãnh đạo các địa phương.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - bà Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: NHẬT BẮC.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - bà Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: NHẬT BẮC.

Theo NHNN, năm 2022, ngành ngân hàng phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động bởi những biến động phức tạp, khó lường của kinh tế thế giới và trong nước.

Từ tháng 9, lạm phát toàn cầu lên mức cao, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục điều chỉnh nhanh, mạnh lãi suất điều hành và dự báo còn tiếp tục tăng lãi suất. Diễn biến ấy khiến đồng USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát.

Với mục tiêu kiên trì kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, NHNN đã điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành.

Theo đó đã 2 lần điều chỉnh các mức lãi suất điều hành với tổng mức tăng 2%/năm và lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND kỳ hạn dưới 6 tháng tại tổ chức tín dụng (TCTD) với tổng mức tăng 0,8-2%/năm (vào các ngày 23-9 và 25-10). Tăng 1%/năm lãi suất cho vay tối đa bằng VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên (vào ngày 25-10).

Đến nay tiếp tục đánh giá lại, NHNN khẳng định đây là giải pháp kịp thời, phù hợp xu hướng chung trên toàn thế giới để ưu tiên kiểm soát lạm phát, giữ ổn định thị trường ngoại tệ.

Bên cạnh các công cụ điều hành trên, NHNN đã chỉ đạo TCTD tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.

Kết quả, đến cuối năm, lạm phát đã được kiểm soát ở mức thấp (bình quân 3,2%), tăng trưởng kinh tế phục hồi ở mức cao (khoảng 8%); thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định (VND đến ngày 27-12 mất giá khoảng 3,8%, mặt bằng lãi suất tăng khoảng gần 1%/năm. Các biến động này là thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới và khu vực.

Toàn cảnh hội nghị sáng 28-12. Ảnh: NHẬT BẮC

Toàn cảnh hội nghị sáng 28-12. Ảnh: NHẬT BẮC

Đặc biệt, với nhiều nỗ lực, cố gắng trong làm việc và đàm phán của Chính phủ và NHNN, ngày 10-11, Bộ Tài chính Hoa Kỳ ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”.

Theo đó, trong kỳ báo cáo này, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách giám sát về thao túng tiền tệ, đồng thời, đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của NHNN trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Cùng với việc triên khai các giải pháp, nhiệm vụ nêu trên, về mặt hoàn thiện thể chế, năm qua NHNN đã tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, trình Chính phủ để trình Quốc hội thông qua Luật Phòng chống rửa tiền; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 và hiện đang trong quá trình triền khai; thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số; công tác đối ngoại, truyền thông, phân tích dự báo, phát hành kho quỹ…

Ngày 27-12, phát biểu tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, tính đến ngày 21-12, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỉ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021, tăng 13,96% so với cùng kỳ năm 2021.

Tín dụng tăng trưởng 13%, trong khi đó huy động vốn chỉ đạt 6%. Như vậy, room tín dụng năm nay vẫn dư thừa 1%, chưa kể room tín dụng được nới thêm.

Về định hướng nhiệm vụ năm 2023, NHNN cho biết sẽ điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và những chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm