Đối với những người phụ nữ như chị Quế, chị Lý, cô Tám thì ngày 8.3 cũng giống như bao ngày khác trong năm, với công việc nặng nhọc tưởng chừng chỉ dành cho đàn ông.
Gánh hàng thuê, bốc vác - công việc nặng nhọc tưởng chừng chỉ dành cho đàn ông - giờ cũng chất chồng trên vai những người phụ nữ.
Chị Mậu vác tải hàng giao cho chủ tại tầng 2 chợ Đồng Xuân.
Những bao hàng nặng oằn đôi vai mảnh khảnh.
Rời quê Hưng Yên để gia nhập đội quân bốc vác thuê tại chợ Long Biên, thấm thoắt đã 20 năm “hành nghề”, cô Lê Thị Tám giờ đã 60 tuổi, cái tuổi không còn đủ sức để vác thì đành đẩy hàng thuê cho những sạp ở tầng 1 chợ Đồng Xuân.
Với sự trợ giúp của 2 người phụ nữ khác trong tổ, chị Đặng Thị Mậu mới đưa được tải hàng lên vai. Một lượt như vậy được 10-20 nghìn đồng tùy nặng nhẹ và địa điểm.
Bao hàng nặng 50kg như chực đổ sụp xuống chị Quế - người phụ nữ có cân nặng ít hơn bao hàng đang vác trên vai.
Đau ruột thừa đến ngày thứ 3 phải đi cấp cứu, mổ hết 20 triệu đồng nhưng về nhà chưa được một tháng, chị lại ra Hà Nội làm thuê. “Ở nhà thì lấy gì mà tiêu, cả nhà có 2 sào ruộng...”, chị vừa nói vừa uống vội cốc cà phê sữa rồi lại tất tưởi đi bốc hàng .
Cùng mấy chị em thuê trọ ngoài bãi sông Hồng, chị Quế cho biết, mỗi ngày phải chạy 3 việc: 3h sáng gánh hoa quả thuê, 8h sáng ra chợ Đồng Xuân bốc hàng và tối đi chợ đêm bán quần áo vỉa hè. “Về nhà lúc 22h, ngày nào cũng như vậy nên chúng tôi không quan tâm ngày nào là 8.3”.
Theo Hải Nguyên (Lao động)