Ngày Sân khấu Việt Nam lần đầu tiên

Được trung ương lấy ngày 12-8 âm lịch hằng năm là ngày Sân khấu VN, Hội Sân khấu TP.HCM đã và đang chuẩn bị để ngày kỷ niệm đầu tiên hoành tráng, trang trọng nhất. Ông Lê Duy Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu VN, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, đã chia sẻ những cảm xúc hân hoan trước ngày đặc biệt này với phóng viên Pháp Luật TP.HCM.

. Thưa ông, vì sao lại chọn ngày Giỗ tổ sân khấu (12-8 âm lịch hằng năm) làm ngày Sân khấu VN?

+ TỪ đề xuất của Hội Sân khấu VN, Ban Bí thư đã quyết định lấy ngày Giỗ tổ sân khấu làm ngày Sân khấu VN. Ngày giỗ tổ là ngày thực hiện những nghi thức truyền thống mang ý nghĩa tinh thần của giới sân khấu. Đảng hiểu là muốn sân khấu VN phát triển, hội nhập thì phải tôn trọng các giá trị truyền thống và đi từ cái gốc truyền thống; phải giữ được bản sắc dân tộc, văn hóa VN. Ngày Sân khấu VN không chỉ dành riêng cho hát bội, cải lương, tuồng, chèo mà còn cho cả xiếc, kịch nói… Tính truyền thống, dân tộc có trong tất cả loại hình biểu diễn sân khấu. Tất cả cùng chung một ông tổ nghề của dân tộc.

Hơn nữa, khi trở thành ngày Sân khấu VN, ngày Giỗ tổ sân khấu sẽ bao gồm những hoạt động thiết thực, cụ thể thúc đẩy sân khấu phát triển.

. Tại sao mãi đến năm nay Hội Sân khấu VN mới đề nghị có ngày sân khấu, thưa ông? Ngày Sân khấu VN lần đầu tiên này sẽ khác gì với những ngày Giỗ tổ sân khấu như mọi năm?

+ Mọi năm, tại đại hội sân khấu, nghệ sĩ chúng tôi cứ bàn mãi về một ngày cho sân khấu nhưng mọi người cứ nói thỏa thích rồi thôi. Năm nay, nhờ kinh nghiệm quản lý của NSND Lê Tiến Thọ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, kiêm Chủ tịch Hội Sân khấu VN, giới sân khấu mới có được ngày của mình. NSND Lê Tiến Thọ bảo phải làm văn bản gửi Chính phủ mới có cơ sở để Chính phủ có ý kiến. Chúng tôi không ngờ văn bản gửi lên được Ban Bí thư quyết nhanh như vậy. Đây là một kinh nghiệm để giới lãnh đạo sân khấu giải quyết nhiều vấn đề về sau.

Sân khấu kịch Nụ Cười Mới làm lễ Giỗ tổ sân khấu (đứng giữa là danh hài Hoài Linh).

Chương trình chào mừng ngày Sân khấu VN đầu tiên sẽ quy tụ tương đối đầy đủ thành phần làm nên tác phẩm sân khấu như tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ, nhân viên phục trang, nhân viên hóa trang và nghệ sĩ ở tất cả loại hình nghệ thuật sân khấu. Giỗ tổ các năm rồi và trong những chương trình biểu diễn nói chung lâu nay chỉ có nghệ sĩ, đạo diễn có cơ hội tỏa sáng nhiều nhất.

. Vậy còn các ca sĩ, MC, người mẫu… thì sao, thưa ông? Khi tổ chức ngày lễ, Hội Sân khấu có tính cho họ bởi nhiều năm gần đây giới ca sĩ, người mẫu… cũng tham gia vào lễ giỗ tổ của giới sân khấu, cũng cúng tổ?

+ Ca sĩ đã có ngày ca sĩ nhưng nếu họ tham gia cả hai bên thì càng hay. Hồi xưa, khi có tổ sân khấu thì chưa có nghề ca sĩ, MC hay người mẫu... Thực tế thì nhiều ca sĩ rất thích sân khấu và thân với nhiều nghệ sĩ sân khấu. Trong chương trình ngày Sân khấu VN cũng có ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và Hương Lan biểu diễn chính thức.

. Xin cảm ơn ông.

Chương trình ngày Sân khấu Việt Nam

Ngày 19-9, tại Hội Sân khấu TP.HCM (5B Võ Văn Tần) sẽ diễn ra triển lãm hình ảnh và trang trí sân khấu, trong đó có nhiều ảnh tư liệu trước năm 1975 của nhiếp ảnh gia Huỳnh Công Minh.

Chương trình biểu diễn về sân khấu VN được tổ chức tại Rạp Hưng Đạo. Từ 19 giờ 45 đến 20 giờ chiếu phim tư liệu Sân khấu VN - những người mở đường với hình ảnh, tư liệu về các nghệ sĩ tiền bối: Năm Châu, Ba Vân, Thành Tôn, Phùng Há, Bảy Nam, Trần Hữu Trang, Cao Văn Lầu, Thanh Nga... Sau đó là lễ rước linh vị Tổ Sân khấu từ Hội Ái hữu nghệ sĩ ở đường Cô Bắc về rạp Hưng Đạo với sự chủ trì của các nghệ sĩ cao niên như Đinh Bằng Phi, Huỳnh Nga, Đoàn Dũng, Thanh Tòng, Thái Mạnh Hiển.

Nhạc sĩ  Thanh Hải trình bày sự phát triển của âm nhạc cải lương với sự góp mặt của nghệ sĩ Bạch Tuyết và nghệ sĩ Vũ Linh. Biểu diễn trích đoạn cải lương Tô Ánh Nguyệt của soạn giả Trần Hữu Trang với sự tham gia của các nghệ sĩ Lệ Thủy, Trọng Hữu, Hoài Linh. Biểu diễn phục trang tuồng lịch sử và nghệ thuật hóa trang do các nghệ sĩ may phục trang Kim Phượng, Công Minh, nhà thiết kế Sĩ Hoàng, nghệ sĩ hóa trang Xuân Chính thực hiện với sự trình diễn của các nghệ sĩ hát bội, cải lương, kịch nói và người mẫu chuyên nghiệp. Đặc biệt, trong phần này, nghệ sĩ Lân Bích sẽ hóa trang thành Bác Hồ.

Trình diễn trích đoạn Chiếc áo thiên nga của soạn giả Lê Duy Hạnh - Hoàng Song Việt với phần biểu diễn của các nghệ sĩ: Bảo Quốc, Thoại Mỹ, Kim Tử Long, Vũ Luân, Lê Tứ cùng ca sĩ Phương Thanh... Ca sĩ Hương Lan và Đàm Vĩnh Hưng sẽ hát chào mừng ngày Sân khấu VN. Trình diễn hài kịch Ngao Sò Ốc Hến với các nghệ sĩ Thanh Thanh Tâm, Hoài Linh, Minh Nhí, Anh Vũ, Lê Hoàng tham gia biểu diễn. Đặc biệt, lãnh đạo UBND TP.HCM, lãnh đạo Hội Sân khấu VN và Hội Sân khấu TP.HCM khởi trống mừng đại lễ, cùng tất cả nghệ sĩ tham gia cùng đánh trống bế mạc, tiễn khách.

HÒA BÌNH thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới