Những ý kiến của ĐBQH Bùi Văn Phương (Ninh Bình) tại buổi thảo luận về Luật Giáo dục (sửa đổi) ở Quốc hội sáng 21-5 có nhiều điểm đáng chú ý. Sau khi bày tỏ sự đồng tình với rất nhiều nội dung đã được sửa trong dự thảo trình ra kỳ họp này, ĐB Phương nói cần trao đổi thêm.
“Chúng ta quy định tuổi học sinh vào lớp 1 là 6 tuổi, lớp 6 là 11 tuổi và lớp 10 là 15 tuổi. Vậy, nếu các cháu cao hơn tuổi đó thì sao? Việc các em vượt tuổi đó đi học là chuyện bình thường của giáo dục”, ĐB Phương nói và khẳng định, nếu làm thế là “đẩy” các em phải tốt nghiệp, không cần biết các em học tập thế nào.
Mặt khác, ĐB Phương nói nếu cứ theo cách học thế nào cũng được lên lớp, rèn luyện thế nào cũng được tốt nghiệp thì “con em chúng ta sẽ ảo tưởng về năng lực của mình và rồi tương lai xã hội sẽ ra sao”.
Đề nghị phải làm rõ phương pháp, nhận thức về giáo dục, ĐB Phương nói: “Phải chăng đổi mới là cứ phải làm khác cũ? Chúng ta ngược lại xem cha ông chúng ta ngày xưa giáo dục thế nào, ông cha ta ngày xưa dạy con, cho con đi học, chọn thầy cho con là chọn thầy hay chữ, dữ đòn, thầy phải giỏi và nghiêm khắc”.
Hướng về các ĐBQH đang ở hội trường, ĐB Phương nói: “Thế hệ chúng ta đa số các đồng chí ngồi đây thời phổ thông đi học, chúng ta thấy ở lớp lưu ban là chuyện bình thường, có bạn lưu ban 2, 3 năm, tốt nghiệp cấp 2, cấp 3 tỉ lệ thấp là chuyện bình thường. Trường tôi năm 1977 chỉ có 40% đỗ tốt nghiệp và nhiều trường cũng chỉ 60%, 70%, cao là 80% đỗ tốt nghiệp, mọi chuyện vẫn bình thường. Các thầy cô trách phạt học sinh nhưng học sinh và thầy cô vẫn tình cảm, vẫn yêu thương vì trách phạt của thầy cô là đúng”.
Nhìn vào hiện tại, ĐB Phương nói bây giờ cái gì cũng sợ. “Sợ đánh giá bằng điểm, các cháu điểm thấp thì các cháu buồn. Rồi đổi mới bằng việc là đánh giá không cần dùng điểm, cho các cháu lưu ban thì sợ các cháu tổn thương, cho các cháu không tốt nghiệp được thì cũng sợ các cháu tổn thương. Thầy cô bây giờ không dám động gì, không nghiêm khắc với học sinh, sợ cả mạng xã hội”.
Từ đó, ĐB Phương bày tỏ nhiều băn khoăn về giáo dục. “Phải chăng ông cha trước đây thời từ trước những năm 1980 giáo dục không tốt sao. Bây giờ buộc phải lên lớp hết, phải đỗ hết. Liệu tỉ lệ 100% khá giỏi có đáng mừng hay không?”.
ĐB Phương đề nghị Luật này phải quan tâm hơn đến các cháu khuyết tật, nhất là khuyết tật về trí tuệ. Phải coi việc học không đúng độ tuổi là việc bình thường. “Vì học tập là việc suốt đời”, ĐB Phương nói và hoài niệm về phong trào “nói không với bệnh thành tích, nói không với tiêu cực trong thi cử”.
“Khi chúng ta làm thật thì tỉ lệ tốt nghiệp không cao như chúng ta vẫn thường mong. Một, hai năm liền tỉ lệ tốt nghiệp không cao, bị áp lực, bị sức ép. Nếu cứ tiếp tục tình trạng kéo dài thế này thì không biết tương lai con em chúng ta sẽ như thế nào”, ĐB Phương nói.
Sau khi các ĐB kết thúc phần phát biểu, Chủ nhiệm UB Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội giải trình các vấn đề ĐB còn băn khoăn, thắc mắc. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết Quốc hội sẽ cùng với Chính phủ tiếp thu tất cả các góp ý, rà soát tất cả các nội dung của dự thảo Luật thêm một lần nữa và sẽ có báo cáo giải trình rõ tất các những vẫn đề các đại biểu còn băn khoăn trước khi quyết nghị thông qua.