LTS:Trong năm 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành các quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú cho 628 nghệ nhân có nhiều cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.Pháp Luật TP.HCMxin giới thiệu một số gương nghệ nhân đang âm thầm gìn giữ các giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc này.
Ông Tư tên thật là Võ Kệ, năm nay 77 tuổi. Bên bình trà, ông kể lại “tuổi thơ dữ dội” và cơ duyên theo đuổi đam mê đờn ca tài tử suốt hơn 65 năm qua của mình.
Đam mê khi nghe đờn ca… đám tang
Mồ côi mẹ khi mới học xong tiểu học, phải đi ở chăn trâu bò cho người ta. Lần đầu tiên, cậu bé chăn trâu được nghe và tận mắt thấy những “thầy đờn” trong đám tang của ông nội. Dù không biết chút gì về ngũ âm hò, xự, xang, xê, cống... nhưng những giai điệu này đã đi vào mỗi bữa ăn, giấc ngủ của ông.
Với ông Võ Kệ, truyền dạy đờn ca tài tử cho thế hệ sau này vừa là bổn phận, đồng thời cũng là trách nhiệm. Ông chia sẻ cũng có lúc không khỏi chạnh lòng khi một bộ phận giới trẻ thuộc tên ca sĩ, nhóm nhạc nước ngoài hơn cả những làn điệu dân ca của quê hương mình. Nhưng dù sao đi nữa, ông vẫn luôn tin vào sự trường tồn của nghệ thuật truyền thống bởi đờn ca tài tử chính là tinh hoa của nghệ thuật dân tộc.
Rồi một đêm, ông rủ mấy người bạn chăn bò lén cưa trộm khúc cây là a (một loại cây thuộc phân họ tre) của một gia đình đang dựng nhà và ngay hôm sau cả nhóm đi bắt ếch lột da, bịt một đầu ống cây, hì hục làm một cây đàn cò (đàn nhị) để kéo vào mỗi buổi trưa. Có bữa mê kéo đàn quá, để trâu bò đi phá hoại hoa màu của người khác, thế là về nhà cả nhóm bị la rầy, ăn đòn.
Rất may trong làng có một ông già biết chơi đàn cò, thấy lũ trẻ chăn trâu ham như thế liền gọi vào dạy cho cách kéo đàn, bấm nốt. Bắt đầu từ đó, ban ngày ra đồng chăn bò, tối đến ông Tư cùng các bạn rủ nhau tới học đàn. “Càng học càng đam mê, mỗi ngón đàn làn điệu cứ lôi cuốn mình vào thế giới đờn ca tài tử bất tận” - ông Tư nhớ lại.
Nghệ nhân Võ Kệ được Sở VH-TT&DL tỉnh Ninh Thuận khen thưởng trong đêm vinh danh nghệ thuật đờn ca tài tử. Ảnh: NÚI XANH |
Rành kéo đàn cò, ông mày mò học đàn kìm, đàn bầu, đàn tranh. Biết hết “tứ tuyệt”, ông tiếp tục mày mò chơi guitar phím lõm. Thời ấy làm gì có trường dạy nhạc, không tivi, không mạng Internet như bây giờ. “Người thầy” dạy nhạc lớn nhất của ông chính là chiếc radio bán dẫn. Mỗi khi trên sóng phát chương trình cải lương, nhạc cổ truyền... ông tập trung nghe và nhớ, sau đó về cầm đàn tập lại. Khi đã độc tấu rành, ông bắt đầu đàn cho các cô chú, anh chị, bạn bè ca. Không biết từ khi nào, chàng trai Võ Kệ đã trở thành một phần không thể thiếu trong các đêm đờn ca tài tử của làng Bình Quý.
Nhà thành địa chỉ học đờn ca
Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, sân khấu hợp tác xã của làng không bao giờ vắng bóng ông Tư. Để đa dạng các tiết mục biểu diễn, ông và một số anh chị em trong làng đặt lời mới cho các làn điệu vọng cổ, soạn thành các vở kịch cải lương rồi dàn dựng biểu diễn quanh vùng. Nhà ông bỗng dưng thành địa chỉ để cho những ai muốn học các ngón đàn, cách giữ nhịp, gõ phách, cách “chẻ nhịp, nhả chữ” hoặc “rao” đàn sao cho ngọt...
Năm 2013, trước nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người dân trong làng, ông Tư là một trong những người đầu tiên vận động thành lập Câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử Bình Quý. Tiếng đàn, lời ca của CLB đã vượt khỏi khoảng sân nhà ông Tư để đi lưu diễn phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa của bà con và các dịp địa phương có sự kiện.
Nghệ nhân Võ Kệ đang hướng dẫn cháu ngoại chơi đàn tại phòng thu âm của mình. Ảnh: NÚI XANH |
Sau khi biết tin được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nhà nước Nghệ nhân ưu tú ông mừng lắm, không ngờ việc đờn ca của ông ở một làng quê nhỏ mà vẫn được chính quyền các cấp ưu ái quan tâm. Khi hỏi ông đờn ca tài tử mang lại gì cho ông, ông thủng thỉnh trả lời: “Được nhiều lắm chớ. Đầu tiên là cưới được vợ, sau đó là nuôi dạy 11 người con ăn học đến nơi đến chốn”.
Cô thôn nữ xinh đẹp cùng làng Nguyễn Thị Lượng cũng vì mê ngón đàn, yêu câu vọng cổ thướt tha mà đồng ý về ở chung với chàng trai nghèo Võ Kệ. Các con của ông đều ít nhiều được ông truyền cho niềm đam mê đờn ca tài tử, đồng thời dạy sử dụng các nhạc cụ truyền thống.
Mỗi khi sân nhà sáng đèn, con cháu gần như đủ mặt, đứa nào ở xa thì quần tụ xem qua điện thoại, iPad. Mỗi đêm CLB đờn ca tài tử sinh hoạt, đám cháu trong nhà và con nít trong làng xúm xít ghé coi, chỉ nhìn ánh mắt chúng thôi, ông Tư chợt thấy bóng dáng mình bên chiếu nhạc năm nào.
Tài sản tinh thần vô giá của làng Bình Quý
Xuất thân từ một người ít học, không biết một chút gì nhạc lý căn bản, với niềm đam mê, ham học hỏi, hiện ông Tư có thể sử dụng máy móc của một phòng thu âm tại nhà, biết thành thạo các phần mềm trên máy vi tính để chỉnh sửa những bản nhạc, bài hát đã thu âm. Ông cho biết phòng thu này còn giúp cho mọi người luyện hát và CLB có thể lưu giữ giọng ca của mình cho con cháu.
Ông Đặng Tấn Hùng, Trưởng Ban công tác Mặt trận khu phố 10, thị trấn Phước Dân, thành viên Ban chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử Bình Quý, chia sẻ: “Không nhớ nổi bao nhiêu lớp con cháu đã được ông Tư hướng dẫn đàn ca. Việc làng, việc xã hội, bất kể khi nào cần ông đều xách đàn đi phục vụ mà không hề đòi trả công. Gia đình ông mấy chục năm nay đều được công nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu của địa phương. Ông Tư chính là tài sản tinh thần vô giá của làng Bình Quý”.