Một là các học trò HLV Miura vẫn tranh chấp quá mức cần thiết hoặc thiếu cẩn trọng ở nơi nguy hiểm trước cầu môn; hai là đường đến cầu môn đối phương và việc tận dụng ghi bàn vẫn còn là ẩn số khiến bàn thắng phải được giải quyết từ bóng chết và trên chấm 11 m.
Cũng có lý khi HLV Miura đã cho các học trò thực tập rất nhiều từ những tình huống cố định. Bởi trong bóng đá, việc không giải quyết được bàn thắng từ những tình huống bóng sống thì khai thác bóng chết có khi lại là biện pháp cứu cánh.
Bài “test” đầu tiên trước U-23 Yemen đã cho thấy bộ khung đội hình chính mà HLV Miura cân nhắc cùng các phương án dự phòng cũng được ông thực tập. Một trận đấu mà HLV Miura đã sử dụng 3/9 cầu thủ HA Gia Lai trong đội hình xuất phát, trong đó Đông Triều được trọng dụng ở vị trí tiền vệ trung tâm cùng với Duy Mạnh, chứng tỏ ông Miura vẫn thích các tiền vệ có khả năng phòng ngự và thu hồi bóng tốt.
Kế đến là chiếc băng đội trưởng đã được chuyển giao cho Thanh Bình cũng là một trong những cầu thủ có nhiều kinh nghiệm và cá tính cũng thuộc loại mạnh.
Vẫn lại là bài phòng ngự chắc chắn, thận trọng rồi mới tính đến phản công. Cũng vẫn là những đường chuyền dài hai cánh và tạt vào trung lộ. Nhìn chung thì lối đá vẫn giữ với chất của Miura chứ không phải có cầu thủ HA Gia Lai thì đá theo kiểu đập nhả của HA Gia Lai.
Dẫu sao cũng đáng khen ở sự tự tin mà các cầu thủ thể hiện trong buổi đá tập.
Hai quả 11 m mà Việt Nam bị phạt, một do trung vệ Duy Khánh phạm lỗi (phút 44) và một là lỗi của cả hàng phòng ngự sau khi HLV Miura đã xáo trộn đội hình rất nhiều (phút 80).
Bàn gỡ 1-2 của U-23 Việt Nam cũng từ chấm 11 m do Tuấn Tài thực hiện.
U-23 Việt Nam đã trải qua chuỗi năm trận không thắng nhưng rõ ràng là đã có sự tiến bộ đáng kể.