Trong đó, hình ảnh và thông tin của em bé được giữ bí mật. Dù báo chí được tiếp cận thông tin nhưng không được phép chụp ảnh nạn nhân. Có được hiệu quả đó là nhờ Campuchia có Đơn vị Bảo vệ trẻ em (CPU), một cơ quan chuyên trách.
Nếu sự việc này xảy ra ở Việt Nam, các cơ quan chức năng cũng sẽ vào cuộc quyết liệt nhưng có được một đơn vị chuyên trách bảo vệ trẻ em như nước bạn là một thèm muốn của các nhà làm công tác xã hội. Rồi thì những hình ảnh về trẻ em, thông tin liên quan đến nhân thân các em ít nhiều cũng sẽ bị rò rỉ. Điều này đã và đang xảy ra hằng ngày trên các mặt báo.
Trước đây, khi Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em giải thể thì thay thế vào đó là Ủy ban Dân số gia đình và Trẻ em. Đến năm 2007, ủy ban này lại giải thể tiếp, giao chức năng quản lý dân số về cho Bộ Y tế, quản lý gia đình đưa về Bộ VH-TT&DL, quản lý trẻ em đưa về Bộ LĐ-TB&XH.
Sự tách rời trẻ em khỏi yếu tố gia đình đã là khập khiễng, các vấn đề liên quan đến trẻ em cũng khó có hiệu quả triệt để. Khi có một vụ việc gì liên quan đến bạo hành trẻ em thì công an là nơi luôn được trông chờ giải quyết. Tuy nhiên, không phải công an viên nào cũng có nghiệp vụ về bảo vệ trẻ em, xử lý các vấn đề liên quan đến tâm sinh lý trẻ em.
Chính vì thế, đây cũng là dịp để chúng ta cần nhìn nhận lại bộ máy tổ chức bảo vệ trẻ em. Nên chăng là khôi phục lại Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em để có một cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em tốt nhất, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ.