Ngày 5-1, lần đầu tiên trên 500 lãnh đạo các trường ĐH, CĐ trong cả nước và lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã cùng nhau họp bàn về “chất lượng giáo dục ĐH”.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long đánh giá: Hệ thống giáo dục ĐH của ta đang trong giai đoạn phát triển và hoàn chỉnh về chất lượng theo xu thế phát triển chung của giáo dục ĐH trên thế giới. Tuy nhiên, giáo dục ĐH của nước ta hiện nay vẫn chưa tiếp cận được với trình độ tiên tiến của các nước trong khu vực, chưa thật sự gắn với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực có trình độ cao. Đặc biệt, công tác quản lý chất lượng còn bất cập.
Không có tên trong bảng xếp hạng của khu vực!
Theo đánh giá của VEF (Quỹ Giáo dục Việt Nam) thì giáo dục ĐH ở Việt Nam sử dụng các phương pháp giảng dạy kém hiệu quả: diễn thuyết, thuyết trình, ghi nhớ một cách máy móc, ít có sự tương tác giữa sinh viên và giảng viên, trang thiết bị chưa đầy đủ. Chương trình đào tạo và môn học quá nhiều, nội dung mỗi môn học và chương trình đào tạo đã lỗi thời so với thế giới.
Còn đánh giá của Intel về chất lượng đào tạo cho thấy nguyên nhân cơ bản của việc không tuyển được người thích hợp cho các vị trí tuyển dụng là sinh viên tốt nghiệp ĐH không đáp ứng được yêu cầu tối thiểu của các vị trí đó. Chỉ có khoảng 20% người lao động cho rằng công việc của họ có liên quan đến kiến thức đã học. Một tỷ lệ lớn người lao động cần tiếp tục được đào tạo lại, đào tạo thêm.
Từ những trì trệ trên, vị trí xếp hạng của giáo dục ĐH Việt Nam trong khu vực và thế giới có thể ví như một bức tranh buồn. Theo thống kê trên 2.000 trường ĐH của thế giới được nghiên cứu và khoảng 1.000 trường ĐH đã được xếp hạng, kết quả xếp hạng năm 2007 cho thấy trong 500 trường ĐH hàng đầu thế giới và 100 trường thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương thì Nhật Bản có 36 trường, Trung Quốc có tám trường, Đài Loan có ba trường..., còn các trường ĐH Việt Nam chưa có tên trong bảng xếp hạng này!
Không ít sinh viên ra trường khi được tuyển dụng phải cần tiếp tục đào tạo lại từ thực tế. Trong ảnh: Sinh viên tìm việc tại hội chợ việc làm. Ảnh: HTD |
Chưa hết, theo Hội đồng đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH Đài Loan, trong số 500 trường ĐH hàng đầu thế giới mà tổ chức này xếp hạng năm 2007 dựa trên các tiêu chí chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học thì Nhật Bản có 32 trường, Trung Quốc có chín trường, Hàn Quốc có chín trường, Đài Loan có bốn trường... Và Việt Nam cũng chưa có trường ĐH nào đứng tên trong bảng xếp hạng này...
Phấn đấu vào tốp 200 ĐH hàng đầu thế giới
Mặc dù còn nhiều khó khăn trước mắt nhưng hầu hết các nhà quản lý đào tạo đều có chung quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục ĐH giai đoạn 2008-2020. Theo đó, đến năm 2020 phải có một ĐH của Việt Nam được xếp hạng trong tốp 200 ĐH hàng đầu thế giới và một vài trường lọt vào tốp 500.
Đến năm 2010, 100% các trường ĐH chuyển sang đào tạo theo tín chỉ, xây dựng 3.000 giáo trình điện tử. Nâng cao tiêu chuẩn tuyển dụng đối với giảng viên ĐH, CĐ. Trong năm 2008, xây dựng tiêu chuẩn cụ thể trong việc tuyển chọn và sàng lọc giảng viên. Triển khai dự án đào tạo 20.000 tiến sĩ đến năm 2020. Thành lập ba trung tâm đào tạo tiến sĩ tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Đến năm 2010, gửi đi đào tạo tiến sĩ ít nhất 7.500 người.
Thứ trưởng Bành Tiến Long nhấn mạnh: Những nhà khoa học có trình độ, biết nghiên cứu khoa học của chúng ta không nhiều. Do đó, từ năm 2008 phải du nhập khoa học bằng hai con đường: cử người thực tập dài hạn ở các trung tâm khoa học hàng đầu thế giới và mời chuyên gia có kinh nghiệm đến Việt Nam. Phải hoàn thiện và đưa vào triển khai đề án thu hút chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia và nhà khoa học nước ngoài làm việc tại các trường ĐH Việt Nam.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân: Ưu tiên ba nhóm giải pháp Tôi cho rằng chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam trong thời gian qua đã đạt nhiều thành tựu nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức rất lớn. Đặc biệt trong hai năm nay, làn sóng đầu tư thương mại thế giới tăng rất lớn cả về quy mô, tính chất, có nhu cầu sử dụng hàng vạn lao động có trình độ cao. Với trên 300 trường ĐH, CĐ, hiện nay chúng ta đang đáp ứng được một chừng mực nào đó nhu cầu của người sử dụng lao động. Nhưng đối với các doanh nghiệp công nghệ cao thì đòi hỏi chúng ta phải có những ĐH nghiên cứu. Vì vậy từ nay đến năm 2020 phải phát triển ít nhất 20 trường ĐH nghiên cứu này. Như vậy, giải pháp thứ nhất là hỗ trợ nhóm 20 ĐH nghiên cứu đẩy mạnh nghiên cứu nhanh hơn. Sắp tới, số trường thuộc nhóm ĐH nghiên cứu này sẽ mở rộng thêm. Nhóm giải pháp thứ hai, đổi mới đào tạo 20.000 tiến sĩ. Từ năm 2008, có chương trình đưa đi đào tạo 500 tiến sĩ ở nước ngoài với yêu cầu mới, chất lượng cao hơn. Nhóm giải pháp thứ ba, ngoài hai ĐH quốc gia, các ĐH được hỗ trợ quốc tế, sắp tới sẽ hình thành một số ĐH mới chất lượng cao hơn. Trong đó có dự án phối hợp với Cộng hòa Liên bang Đức hình thành ĐH Việt-Đức do hiệu trưởng người Đức trực tiếp quản lý. Đồng thời hiện nay Bộ đã bàn với Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam hình thành một ĐH công nghệ mà nòng cốt là đội ngũ các nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ của Viện (trên 200 PGS, GS và trên 70 tiến sĩ)... Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH Quốc gia TP.HCM: Phải thay đổi trình độ quản lý Đa số trường ĐH ở ta cứ quan niệm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo là phải có tiền, đầu tư cơ sở vật chất, chất lượng đầu vào của người học... Nhưng ở các nước không phải thế. Cái chính là phải thay đổi trình độ quản lý, cách thức quản lý. Chất lượng giáo dục ĐH phụ thuộc vào cơ chế quản lý của Bộ GD&ĐT. Hiện nay, việc quản lý này phụ thuộc vào quá nhiều vấn đề chi tiết. Chẳng hạn, chương trình đào tạo ngoại ngữ Bộ giao theo số tiết quy định quá ít thì các trường không thể đào tạo có chất lượng được. Hãy cho các trường quyền tự chủ, tự quyết định cơ chế quản lý, đào tạo... Mặt khác, giáo dục ĐH của chúng ta chưa thực hiện phân tầng thì sẽ không đáp ứng được đào tạo theo nhu cầu xã hội. Cần phải có những trường đào tạo theo những nhiệm vụ khác nhau. |
QUỐC VIỆT - TRƯƠNG HIỆU