Hỏi giùm bạn

Người cao tuổi có cần làm thẻ CCCD gắn chip?

Cha tôi năm nay 60 tuổi, đã được cấp CCCD mã vạch vào năm 2020. Nay, địa phương tôi có thông báo cho người dân trên địa bàn cấp đổi từ CCCD mã vạch sang CCCD gắn chip.

Vậy xin hỏi, người cao tuổi như cha tôi có phải làm thủ tục cấp đổi sang CCCD hay không?

Bạn đọc Huy Trường (Quận Gò Vấp, TP.HCM)

Luật sư Lê Văn Bình, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Theo Điều 2 Luật Người cao tuổi 2009, người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên.

Khoản 1 Điều 21 Luật CCCD nêu rõ thẻ CCCD phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

Như vậy, lần cấp đổi CCCD cuối cùng sẽ được tiến hành khi công dân đủ 60 tuổi. Sau lần cấp đổi này, công dân sẽ được sử dụng CCCD đến khi công dân đó mất đi và không phải cấp lại CCCD trừ trường hợp CCCD bị mất, hư hỏng.

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 21 Luật CCCD nêu rõ: Công dân đổi, cấp lại trong thời hạn hai năm trước tuổi quy định đổi thẻ (25, 40 và 60 tuổi) thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.

Ngoài ra, Điều 4 Thông tư 06/2020 của Bộ Công an quy định thẻ CCCD có mã vạch được cấp trước ngày Thông tư 06 có hiệu lực (ngày 23-1-2021) vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn. Khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ CCCD gắn chip.

Như vậy, người cao tuổi đã được cấp CCCD mã vạch còn thời hạn thì không bắt buộc cấp đổi sang CCCD gắn chip.

Trường hợp cha của anh Trường đã được cấp CCCD năm 59 tuổi nên đến 60 tuổi thì không cần cấp đổi.

Tuy nhiên, việc cấp đổi từ CCCD mã vạch sang CCCD gắn chip sẽ giúp các thông tin cá nhân của công dân được cập nhật đầy đủ và tăng độ lưu trữ thông tin trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, giúp công dân dễ dàng thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch về sau. Do đó, công dân cao tuổi cũng nên tiến hành chuyển sang thẻ CCCD gắn chip điện tử. 


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm