“Qua buổi giao lưu này, chúng tôi muốn giới thiệu để bạn đọc hiểu rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ của TPL. Đồng thời, qua phản hồi của bạn đọc, chúng tôi cũng kịp thời nắm bắt nhu cầu của người dân nhằm hoàn thiện chế định TPL”. Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Ngô Minh Hồng phát biểu mở đầu buổi giao lưu trực tuyến “TPL trong đời sống người dân TP.HCM” do Sở Tư pháp và báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp tổ chức ngày 23-6.
Tham gia buổi giao lưu có TS Nguyễn Đức Chính, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, cùng ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự; ông Trần Văn Sự, Phó Chánh án TAND TP.HCM; ông Vũ Quốc Doanh, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, cùng các trưởng văn phòng TPL tại TP.HCM.
Vi bằng: Không lo hết hạn!
Khá nhiều bạn đọc thực sự quan tâm khi biết “ông” TPL có thể giúp họ lập vi bằng ghi nhận những chuyện mà hiện không ai có thể giúp họ. Chẳng hạn, lập vi bằng ghi nhận hiện trạng nhà hàng xóm trước khi họ xây nhà, làm chứng việc giao-nhận tiền mặt. Bạn đọc Gia Bảo (quận 12) còn muốn nhờ TPL ghi nhận việc người khác đập bể ống nước nhà mình…
Vi bằng do TPL lập có giá trị chứng cứ và theo Phó Chánh án TAND TP.HCM Trần Văn Sự, thực tế đã có trường hợp tòa án sử dụng vi bằng dạng này để làm chứng cứ khi xét xử một vụ kiện.
Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Ngô Minh Hồng (thứ hai từ trái sang) và ông Vũ Quốc Doanh, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP (thứ ba từ trái),tại buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: HTD
Trả lời bạn đọc về việc có quy định về thời hiệu, thời hạn cho hiệu lực pháp lý của vi bằng hay không, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính cho biết: “Vi bằng được lập và được đăng ký thì có giá trị chứng cứ và nếu không bị hủy bởi tòa án thì nó không bị mất giá trị. Nói cách khác, không có thời hiệu cho vi bằng”.
Bạn đọc Phạm Nguyên (TP.HCM) lo: “Giả sử hết thời gian thí điểm, Nhà nước không cho tồn tại các văn phòng TPL nữa thì những vi bằng từng lập có giá trị gì không? Trường hợp văn phòng TPL nào đó tự động đóng cửa thì những vi bằng do văn phòng ấy lập có được tòa án chấp nhận không?”. ÔngNguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, khẳng định: “Nếu hết thời gian thí điểm, Nhà nước không cho phép thực hiện tiếp thì các vi bằng do TPL đã lập đúng theo quy định của pháp luật vẫn có giá trị. Trường hợp văn phòng TPL “tự đóng cửa” thì các vi bằng do văn phòng ấy lập theo đúng quy định của pháp luật vẫn có thể được tòa án xem xét trong quá trình tố tụng”.
Cơ quan nhà nước phải hỗ trợ TPL
“Tôi ở quận 5, tôi nhờ văn phòng TPL ở quận 8 thi hành giùm bản án do TAND quận 5 tuyên thì có được không?”. Câu hỏi này được giải thích: Nếu như TPL có thẩm quyền lập vi bằng trên toàn bộ phạm vi TP.HCM thì trong việc thi hành án, TPL chỉ mới được giao tổ chức thi hành án đối với bản án của tòa án tại quận mà họ đặt trụ sở. Chẳng hạn, Văn phòng TPL quận 8 chỉ có quyền tổ chức thi hành bản án, quyết định có hiệu lực của TAND quận 8.
Về việc một số cơ quan nhà nước chưa chịu hợp tác với TPL trong việc tống đạt văn bản của tòa án và thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, bạn đọc Mạnh Hùng đặt vấn đề: Nên chăng phải có biện pháp chế tài? Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do các cơ quan chưa biết TPL là ai, chưa hiểu kỹ về công việc, vai trò của TPL. Ông Chính khẳng định: Một khi được tuyên truyền sâu rộng thì chắc chắn các cơ quan nhà nước sẽ hợp tác, hỗ trợ tốt cho TPL.
TPL quận 5 (TP.HCM) đang đo đạc lập vi bằng hiện trạng nhà. Ảnh: TIẾN HIỂU
Ông Chính đánh giá cao việc UBND TP.HCM đã có chỉ thị yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện và các cơ quan liên quan khác phải phối hợp, hỗ trợ hoạt động của TPL: cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của TPL. Như vậy, cơ quan nào không hợp tác với TPL là không chấp hành chỉ thị này.
Khiếu nại TPL ở đâu?
Nếu người dân không đồng ý với cách làm việc của TPL thì sẽ khiếu nại ở đâu? Bà Ngô Minh Hồng, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, giải đáp: “Khiếu nại đối với quyết định, hành vi của TPL trong việc thi hành án dân sự và tống đạt do giám đốc Sở Tư pháp ra quyết định giải quyết lần đầu. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của giám đốc Sở Tư pháp thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến bộ trưởng Bộ Tư pháp. Quyết định giải quyết khiếu nại của bộ trưởng Bộ Tư pháp là quyết định giải quyết cuối cùng. Đối với việc lập vi bằng, nếu có tranh chấp thì các bên có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết”.
Theo ông Nguyễn Đức Chính, qua một năm thí điểm, bước đầu cho thấy hoạt động của TPL đã đáp ứng, hỗ trợ tốt nhu cầu của người dân TP.HCM. Nhiều địa phương cũng đề xuất được áp dụng thí điểm mô hình này. Việc có thành lập thêm các văn phòng TPL hay triển khai thêm ở các tỉnh, thành khác hay không sẽ do Chính phủ quyết định trên cơ sở sơ kết, đánh giá hiệu quả hoạt động của các văn phòng TPL ở TP.HCM trong thời gian qua.
TPL có quyền trực tiếp thi hành án dân sự. Khi người dân có các bản án cần phải thi hành án thì có thể nhờ TPL xác minh tài sản của người phải thi hành án hoặc có thể yêu cầu văn phòng TPL trực tiếp tổ chức thi hành án (thay vì yêu cầu chi cục thi hành án dân sự). Mức phí lập vi bằng gần giống nhau giữa các văn phòng TPL, khoảng 2 triệu đồng/vi bằng. “Chúng tôi không hề hướng dẫn họ việc thống nhất với nhau để đưa ra khung phí giống nhau nhưng nếu việc thống nhất mức phí nhằm để “ép” người dân thì chúng tôi không đồng tình. Chúng tôi sẽ kiểm tra, nếu có hiện tượng này, chúng tôi sẽ chấn chỉnh ngay” - ông Nguyễn Đức Chính, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, cho biết. Sáng nay (24-6), tại TP.HCM sẽ diễn ra hội nghị sơ kết việc thí điểm tổ chức và hoạt động của TPL do Bộ Tư pháp phối hợp với UBND TP tổ chức. Hội nghị sẽ nghe các báo cáo sơ kết việc thí điểm, tham luận của các văn phòng TPL, từ đó đánh giá khả năng kéo dài thêm thời gian thí điểm, mở rộng việc thí điểm ra một số tỉnh, TP… Hiện TP.HCM có năm văn phòng TPL đặt tại quận 1, 5, 8, Bình Thạnh, Tân Bình. |
ÁI PHƯƠNG - TIẾN HIỂU
(Bạn đọc có thể xem thêm nội dung buổi giao lưu tại đây)