“Người rừng” và cuộc sống cách ly

Ngày 7-8, sau nhiều giờ băng rừng già, người dân và chính quyền địa phương huyện miền núi Tây Trà (Quảng Ngãi) đã tìm được hai cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh để đưa về nhà. Một ngày trôi qua, chuyện tìm được hai cha con họ đã trở thành câu chuyện thời sự nhất ở nơi này…

Vào rừng

Trở thành “người rừng” như bây giờ là một câu chuyện dài của ông Hồ Văn Thanh. Năm 1972, khi chiến tranh chưa kết thúc, ông Thanh là du kích ở xã Trà Xinh. Lúc đó, nhà ông không may bị trúng mìn khiến ông cùng lúc mất đi hai người con ruột và mẹ già. Quá đau buồn lại lo sợ nên ông quyết định rời khỏi làng. Khi đi ông mang theo người con trai thứ ba là Hồ Văn Lang mới hơn một tuổi cùng vào rừng sinh sống.

Từ bản làng Trà Kem, xã Trà Xinh, cha con ông lội bộ nhiều giờ đồng hồ vào sâu trong khu rừng Apon để bắt đầu một cuộc sống mới. Ngày vào rừng sống, để không bị thú dữ ăn thịt, ông Thanh chặt cây rừng rồi chọn một thân cây to dựng túp lều nhỏ cách mặt đất 5 m để ở. Những ngày đầu sống trong rừng không có gì để ăn, ông phải đi hái rau rừng, tìm mọi thứ có thể ăn được để duy trì sự sống.

“Người rừng” và cuộc sống cách ly ảnh 1

“Người rừng” Hồ Văn Lang một ngày sau khi về với cộng đồng. Ảnh: VÕ QUÝ

Cha con “người rừng” chỉ mặc khố che thân. Chiếc khố được làm bằng vỏ cây rừng do cha con ông tự bện lấy. Họ còn tự bện hai chiếc áo bằng vỏ cây rừng để che thân vào mùa đông. Xung quanh nhà cha con họ có rất nhiều dụng cụ sinh hoạt, dụng cụ lao động tự chế và còn có cả lúa, mè, thuốc lá… tự trồng được và dự trữ trong nhà, bỏ trong những ống lồ ô. Trong nhà còn cất cả thịt chuột, thịt thú rừng do cha con ông tự săn bắt. Họ trồng rất nhiều loại bắp, lúa, mè, thuốc lá trên vạt đất trồng rộng cả hecta. Hai cha con “người rừng” cứ thế mải miết sống. Mãi 10 năm sau dân làng mới biết cha con ông vẫn còn sống, có lần làng khuyên nhủ ông trở về nhưng rồi cha con ông lại bỏ làng về lại với rừng xanh.

Anh Hồ Văn Tri (con út của ông Thanh) nhớ lại:“Lúc trước khi mới 12 tuổi, sau khi xác định cha và anh còn sống và ở trong rừng, tôi được người bác ruột dẫn vào thăm. Rồi mỗi năm vài lần tôi lại lặn lội vượt rừng mang mắm, muối và một số thứ cần thiết vô cho cha và anh nhưng đến giờ hai người vẫn không nhận ra tôi là con, là em”.

40 năm sống trong rừng sâu, “người rừng” Hồ Văn Thanh giờ cũng không nói được nhiều tiếng dân tộc Cor của mình, còn con trai ông cũng không nói được gì, chỉ bập bẹ vài tiếng không rõ nghĩa.

Ngày về làng

Sau lần vào thăm cha, thấy ông Thanh đã già yếu nằm một chỗ trên căn chòi nhỏ, anh Tri đã phải nhờ đến chính quyền địa phương hỗ trợ đưa cha và anh trở lại làng. Sáng 7-8, chính quyền địa phương đã bố trí lực lượng cắt rừng hướng về phía núi Apon. Sau nhiều giờ lặn lội, cuối cùng họ cũng tiếp cận được nơi hai cha con “người rừng” đang sinh sống. Lúc vừa gặp người lạ, anh Lang hoảng sợ bỏ chạy nhưng bị giữ lại. Sau đó, hai cha con anh được đưa về làng. Do ông Thanh đã yếu nên lực lượng hỗ trợ phải dùng võng khiêng ông ra khỏi rừng. Vừa đặt chân vào làng, dân làng vây kín xem “người lạ”.

“Người rừng” và cuộc sống cách ly ảnh 2

Những vật dụng sinh hoạt và dụng cụ lao động của cha con “người rừng”. Ảnh: LUẬN NGỮ

Cả hai cha con “người rừng” được đưa về nhà của anh Tri. Ban đầu họ tỏ ra sợ hãi, đặc biệt là anh Lang. Nhưng sau một ngày tiếp cận với nhiều người, cha con “người rừng” đã bớt sợ hãi và ăn uống trở lại. Ông Thanh được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Tây Trà để y bác sĩ thăm khám bệnh tình và truyền dịch. Còn riêng anh Lang thì ngồi bẹp một chỗ dưới nền nhà, tay cầm thuốc hút liên hồi, mắt vẫn hướng về rừng sâu.

BS Châu Nguyễn Thương - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện kiêm phụ trách khoa Khám cấp cứu, trực tiếp cứu chữa “người rừng” cho hay: Mưa gió, thiếu ăn cộng với tuổi già sức yếu và nỗi ám ảnh về một thời gian dài sống tách biệt với cộng đồng nên khi được đưa về đây, sức khỏe của “người rừng” suy kiệt hoàn toàn. Từ đêm 7 đến 8-8, trung tâm đã nạp cho ông sáu bịch dịch truyền và đã cho ông uống được nửa bịch sữa. Bây giờ, thi thoảng đôi mắt nhắm nghiền của ông đã mở ra nhưng để sức khỏe phục hồi tốt còn phải chờ thời gian bởi sự suy kiệt cơ thể của ông đã quá mức.

BS Thương cũng cho biết thêm là đã có lời đề nghị chuyển ông Thanh xuống BV Đa khoa Quảng Ngãi để cứu chữa tốt hơn nhưng người nhà của ông không đồng ý.

Trong ngày 7-8, huyện đã cử lãnh đạo đến thăm, tặng quà và 2 triệu đồng để gia đình bồi dưỡng cho anh Hồ Văn Lang. Riêng cụ Hồ Văn Thanh thì mặc dù không có bảo hiểm y tế nhưng các y bác sĩ vẫn tập trung cứu chữa. Về lâu dài, huyện sẽ vận động xây dựng cho ông một căn nhà tình thương. Trước thông tin ông Thanh từng đi bộ đội, huyện sẽ chỉ đạo cho các ngành xác minh nếu đúng thì sẽ lập hồ sơ đề nghị cấp trên giải quyết chính sách.

Ông HOÀNG ANH NGỌC,
Chủ tịch UBND huyện Tây Trà (Quảng Ngãi)

LUẬN NGỮ - VÕ QUÝ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm