Nhìn làn sương mù dày đặc bao trùm biển Azov, một binh sĩ Ukraine tại TP cảng Mariupol không khỏi lo lắng tình hình thời tiết này sẽ khiến việc quan sát khó khăn hơn, theo AFP.
Đơn vị của binh sĩ này đang đặt trong tình trạng báo động cao sau vụ đụng độ giữa các tàu chiến Nga và Ukraine ở eo biển Kerch, nơi nối Biển Đen và biển Azov, hôm 25-11.
Một thiếu niên cùng với những người dân khác đào hào bên bờ biển Azov gần TP Mariupol, Ukraine. Ảnh: AFP
“Bất cứ khi nào nhận được mệnh lệnh, chúng tôi sẵn sàng chặn đứng cuộc tấn công và bảo vệ các cứ điểm của mình” - binh sĩ Kit, 26 tuổi, cho biết.
“Lực lượng biên phòng tuần tra trên biển sẽ là tuyến phòng thủ đầu tiên. Nếu các cứ điểm của họ bị phá hủy, chúng tôi sẽ tấn công. Các tàu của chúng tôi đang di chuyển một cách hòa bình về phía Mariupol thì bị tấn công.Tất cả chúng tôi đều đã vào tình trạng báo động” - binh sĩ Kit nói.
AFP đánh giá nếu xung đột giữa Ukraine và Nga tăng nhiệt và kéo dài, Mariupol khả năng sẽ trở thành chiến tuyến. Thành phố công nghiệp này từng trải qua bối cảnh xung đột khi bị phe ly khai thân Nga chiếm đóng kể từ khi chiến sự nổ ra hồi năm 2014. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, lực lượng chính phủ Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát khu vực này. Năm 2015, 31 người đã thiệt mạng và 100 người khác bị thương trong một vụ nã pháo tại Mariupol.
Hiện Mariupol vẫn là TP lớn duy nhất tại khu vực Đông Nam Ukraine nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Ukraine. Mariupol chỉ cách đường ranh giới chia tách vùng lãnh thổ do chính quyền Ukraine kiểm soát với khu vực của phe ly khai khoảng 10 km.
Tại Chervone, ngôi làng nằm phía Nam Mariupol, khoảng 60 người dân đã tham gia đào hào. Họ làm như vậy vì cho rằng đây là cách bảo vệ TP trước sự tấn công của Nga. Những người tham gia đào hào đều là thành viên của một trung tâm tình nguyện chuyên giúp đỡ trẻ em. Ngay cả trẻ em cũng được huy động, giúp người lớn đào hố mới.
“Cách đây chỉ vài trăm mét là nơi các con và gia đình chúng tôi sinh sống, ngoài ra còn có một trung tâm giúp đỡ người tị nạn” - Gennady Mokhenko, mục sư thành lập trung tâm tình nguyện, nói.
“Trong trường hợp Nga tấn công từ biển, những hào này sẽ trở thành tiền tuyến chỉ trong vài phút. Tôi hy vọng chuyện này sẽ không bao giờ xảy ra” - mục sư Mokhenko nói với AFP.
Bohdan Petlitsky, 22 tuổi, là cựu học viên của trung tâm tình nguyện, cho hay anh sẵn sàng từ bỏ công việc lính cứu hỏa hiện tại để nhập ngũ. “Nếu nổ ra một cuộc tấn công, tôi sẽ sẵn sàng cầm vũ khí bảo vệ Ukraine và Mariupol” - Petlitsky nói.
Ngược lại, bà Mykola (52 tuổi) bày tỏ lạc quan. “Ngay cả khi lính nhảy dù Nga nhảy xuống đây, đó không hẳn là chuyện tồi tệ. Tôi không nghĩ sẽ có chuyện gì đó nghiêm trọng xảy ra” - bà nói khi đang làm việc bên bờ biển Azov.
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine khởi phát tại Biển Đen vào ngày 25-11. Khi đó, Moscow cố chặn ba tàu chiến của Hải quân Ukraine tiến vào biển Azov qua eo biển Kerch. Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) tố cáo các tàu của Kiev xâm phạm lãnh hải, phớt lờ cảnh báo, thực hiện các hành động trái phép và nguy hiểm. Cảnh sát biển Nga sau đó nã súng và bắt giữ các tàu Ukraine cùng 24 thủy thủ.
Một nhân viên của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) dẫn giải thủy thủ Ukraine ra tòa ở Simferopol, Crimea. Ảnh: AP
Theo The Guardian, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã cảnh báo nguy cơ về “chiến tranh toàn diện” với Nga khi căng thẳng hai bên tiếp tục leo thang. Tổng thống Poroshenko ngày 27-11 phát biểu trên truyền hình quốc gia rằng: “Tôi không muốn mọi người nghĩ đây là một trò đùa. Ukraine đang trong mối đe dọa chiến tranh toàn diện với Nga”.
Ông Poroshenko viện dẫn các báo cáo tình báo cho hay số lượng binh sĩ Nga được triển khai tới biên giới Nga-Ukraine đã tăng lên đáng kể và số lượng xe tăng Nga đã tăng lên gấp ba. Tuy nhiên, ông không nói rõ thời gian diễn ra những động thái tăng cường quân sự trên.
CNN cho biết Ukraine ngày 26-11 tuyên bố tình trạng thiết quân luật trong vòng 30 ngày tại khu vực biên giới với Nga, bao gồm các khu vực lân cận biển Azov và Biển Đen, một phần biên giới với vùng Transnistria của Moldova - nơi binh sĩ Nga đang đóng quân.
Trong khi đó, Nga tuyên bố những hành động tương tự như vụ việc ở eo biển Kerch sẽ kéo theo “hậu quả nghiêm trọng” và Nga sẽ đối phó cứng rắn với mọi nỗ lực vi phạm chủ quyền của Nga.