Nó nguy hiểm đến độ các trang báo nước ngoài đã đưa hình ảnh sân Hàng Đẫy tối 21-4 như một hiểm họa cháy nổ có thể gây chết người và ảnh hưởng đến trận đấu với nhiều khán giả và cầu thủ trên sân.
Vài chục quả pháo cháy đỏ rực một mặt khán đài còn khói thì xông kín sặc sụa trên sân, lan qua cả nhà dân và cả cơ quan ngôn luận của Tổng cục TDTT trên đường Trịnh Hoài Đức. Sự hỗn loạn và nguy hiểm của pháo, khói cũng như cảnh dập lửa trên sân Hàng Đẫy đánh động qua cả 36 Trần Phú, cơ quan của Bộ VH-TT&DL cách đó không xa.
Rõ ràng là cảnh pháo sáng tối 21-4 đã vượt ra khuôn khổ của một trận bóng mà là sự phá hoại, thách thức.
Nguy hiểm hơn là Hà Nội đang mùa khô nắng nóng và chỉ một mồi lửa là có thể gây nên thảm họa. Thế mà cả một mặt khán đài cháy đỏ rực trước sự reo hò của một nhóm người và phía trên là cờ cổ động viên Hải Phòng vẫy tung tăng như khoe chiến công.
Việc xử lý sự cố trên rõ ràng chỉ với quy chế, luật và điều lệ liên quan đến bóng đá thôi là chưa đủ. Bởi trong sân bóng, trên khán đài luật pháp cũng tồn tại mà những hình ảnh xấu xí trong trận Hà Nội - Hải Phòng cũng là hoạt động gây rối và phá hoại tài sản nhưng nguy cơ dẫn đến cháy nổ gây chết người, đặc biệt ở nơi công cộng. Đáng chú ý là pháo sáng còn cháy đỏ rực cả phía sau khán đài nơi tiếp giáp với nhà dân hướng ra đường Cát Linh và Hàng Cháo.
Thiết nghĩ hình ảnh một góc của quận Ba Đình, Hà Nội dù là trong sân bóng cháy đỏ rực và khói nghi ngút như thế cũng cần phải có sự nghiêm trị từ những cơ quan hành pháp bởi đó không còn là cổ vũ bóng đá mà là thách thức.
Rất mong có sự ra tay kịp thời của những người, những bộ phận có trách nhiệm giữ gìn an ninh trật tự cho Hà Nội.