Cầu thủ người Brazil nhập tịch Rafaelson mang tên Việt Nam là Nguyễn Xuân Son rất mong muốn được khoác áo tuyển Việt Nam. Nhưng câu chuyện cầu thủ nhập tịch khoác áo tuyển Việt Nam vẫn còn là điều lắm thách thức. Thách thức cho chính bản thân cầu thủ đó, cụ thể là Nguyễn Xuân Son, thách thức cho người hâm mộ, cho những nhà chuyên môn, cụ thể là HLV, lãnh đạo VFF.
Tuyển Việt Nam từng có nhiều cầu thủ nhập tịch
Gần gũi và “có gốc gác” như Huỳnh Kesley, Phan Văn Santos mà sau đó, mọi thứ còn quay ngoắt. Nói Huỳnh Kesley hay Phan Văn Santos có gốc gác là vì thời đó, những cầu thủ này được HLV Calisto gọi vào đội tuyển và lãnh đạo "bật đèn xanh". Cùng với đó, Kesley rất giỏi chuyên môn, rất hiền lành, giàu tố chất kỹ thuật, phù hợp với lối chơi của đội tuyển Việt Nam lại có vợ Việt Nam. Còn Phan Văn Santos lại là học trò của HLV Calisto ở ĐT. Long An. Quan trọng hơn là những cậu học trò Brazil này lại cùng chung ngôn ngữ (tiếng Bồ Đào Nha) với HLV Calisto, đấy là vấn đề không hề nhỏ, không bị rào cản ngôn ngữ, dễ hiểu nhau...
Ngoài ra những Đinh Hoàng Max, Đinh Hoàng La đều là những cầu thủ ngoan, “sợ” và biết vâng lời HLV Calisto. Tuy nhiên mọi chuyện cũng gặp đầy thách thức vì khi vào đội tuyển, sự cạnh tranh, thậm chí là đố kỵ, bè phái, cô lập nhau là điều không thể tránh khỏi. Thậm chí khi thể hiện trên sân, cầu thủ ngoại cũng thường rơi vào cảnh 'bất đồng', không hợp 'cạ'.
Tinh tế, kỹ thuật như Huỳnh Kesley trước đây rồi cuối cùng cũng rời đội tuyển trong ê chề. Tương tự Phan Văn Santos, cứ ngỡ chuyên môn giỏi vào tuyển là mọi thứ trôi chảy, nhưng không phải, thủ môn Brazil này liên tục gặp ức chế trong môi trường đội tuyển và cuối cùng tâm sự với ông thầy Bồ Đào Nha xin rút tên khỏi đội tuyển.
Tương tự những Đinh Hoàng Max, Đinh Hoàng La cũng nhạt nhòa, chông chênh rồi sau đó cũng ra đi trong yên lặng.
Thách thức cho Nguyễn Xuân Son
Tay săn bàn Nguyễn Xuân Son giỏi, hay được đồng đội quý mến và trong màu áo TX. Nam Định luôn được đồng đội “dọn cỗ”, dồn bóng cho. Nhưng vào đội tuyển lại là câu chuyện hoàn toàn khác, khác rất xa so với ở CLB.
Những Văn Toàn, Hồng Duy, Tô Văn Vũ, Tuấn Anh có thể hợp 'cạ' với Nguyễn Xuân Son vì họ là đồng đội ở TX. Nam Định, nhưng chưa chắc những cầu thủ khác ở đội tuyển 'phục vụ' cho Nguyễn Xuân Son.
Bản chất của bóng đá, trong môi trường cạnh tranh đều là như thế. Giỏi thật sự, bản lĩnh thực sự phải vượt qua mọi thử thách, còn không vượt qua được thì... gãy.
Nguyễn Xuân Son được đồng đội quý mến, fan quý mến, đó chỉ là khi anh khoác áo TX. Nam Định, còn trong môi trường đội tuyển, đồng đội nơi đội tuyển lại là câu chuyện khác rất xa.
Nếu được HLV Kim Sang-sik gọi vào đội tuyển Việt Nam thì Nguyễn Xuân Son cũng nên hiểu và chuẩn bị một môi trường mới, nghiệt ngã hơn ở TX. Nam Định rất nhiều. Bóng đá là cạnh tranh quyết liệt để tiến bộ, lại là trong môi trường đội tuyển, tập thể đến từ nhiều CLB khác nhau. Nếu đội tuyển thiếu cạnh tranh thì HLV là người trực tiếp tạo ra sự cạnh tranh ấy.
Với người hâm mộ, việc Nguyễn Xuân Son góp mặt ở tuyển Việt Nam cũng không nên coi đó là 'liều thuốc thần kỳ'. Bóng đá là trò chơi tập thể, Nguyễn Xuân Son giỏi nhưng đồng đội không hợp tác hay không hòa nhập được thì cũng thất bại.
Riêng nhìn trên bình diện chung, một khi Nguyễn Xuân Son đã đầy đủ quyền công dân Việt Nam rồi thì cũng nên coi Son là một cầu thủ nội như bao cầu thủ khác. Cầu thủ nào giỏi, thể hiện tốt thì cứ gọi vào đội tuyển, không đáp ứng được thì loại. Không nên trông chờ nhiều ở Nguyễn Xuân Son và cũng chẳng đề cao cầu thủ gốc Brazil này quá có khi lại tác dụng ngược.
Nguyễn Xuân Son khát khao khoác áo tuyển Việt Nam
HLV Vũ Hồng Việt của TX. Nam Định cho biết, Nguyễn Xuân Son rất khát khao khoác áo tuyển Việt Nam khi đã nhập tịch. Nhìn cách Son thi đấu và muốn khẳng định mình đã cho thấy điều đó. Son có một thời gian ngắn khó khăn trong việc nhập tịch vì vài vấn đề. Còn hôm nay Nguyễn Xuân Son đang thể hiện để gây ấn tượng với HLV Kim Sang-sik.