Nhà băng 'hút' mạnh tiền gửi nhờ số hóa

(PLO)- Việt Nam được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng, cơ hội cho phát triển ngân hàng số và cũng là cơ hội để các ngân hàng chạy đua trong cuộc chiến "hút" tiền gửi không kỳ hạn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từ nhiều năm nay, Vietcombank luôn xác định công nghệ và số hóa là những yếu tố then chốt, quyết định việc duy trì năng lực cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ số cho khách hàng.

Hiện nay, số lượng khách hàng cá nhân sử dụng ứng dụng VCB Digibank của Vietcombank tăng trưởng mạnh mẽ. Tính riêng trong năm 2021, số lượng khách hàng trên các kênh số tăng hơn 45%. Mỗi ngày, các kênh số của Vietcombank xử lý thông suốt từ 2,5-3,5 triệu giao dịch với giá trị từ 18.000 – 36.000 tỉ đồng. Tỉ lệ giao dịch của khách hàng cá nhân trên các kênh số chiếm 97% tổng số lượng giao dịch.

Không chỉ gia tăng trải nghiệm cho các khách hàng khi sử dụng dịch vụ ngân hàng số mà từ ngày 1-1-2022, Vietcombank miễn toàn bộ phí chuyển tiền và phí duy trì dịch vụ trên kênh ngân hàng số VCB Digibank cho khách hàng cá nhân.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, chia sẻ: “Với việc miễn toàn bộ các loại phí duy trì, phí giao dịch thường xuyên, hằng ngày của khách hàng trên kênh số mà không đưa ra bất kỳ yêu cầu nào về đăng ký gói dịch vụ hay duy trì số dư tối thiểu, Vietcombank mong muốn mang tới cho khách hàng sự đơn giản, thuận tiện và dễ dàng nhất khi giao dịch trên ngân hàng số VCB Digibank. Với việc miễn toàn bộ phí duy trì và phí giao dịch chuyển tiền của khách hàng trên kênh số, không chỉ nhằm hỗ trợ khách hàng, góp phần thúc đẩy chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ”.

Tương tự, MSB định hướng việc đẩy mạnh số hóa là một phần quan trọng trong chiến lược kinh doanh tổng thể. Trong năm 2021, MSB đầu tư vào 2 dự án quan trọng là nhà máy số (Digital Factory) và hiện đại hóa hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking). Đây được coi là động lực duy trì mức độ tăng trưởng 30%/năm của nhà băng.

Với trợ lực số hóa và nền tảng công nghệ hiện đại, việc đăng ký vay cùng quá trình thẩm định, phê duyệt tại MSB được số hóa hoàn toàn, rút ngắn quy trình từ vài ngày xuống còn vài giờ hoặc vài phút. Chẳng hạn, chỉ trong 5 phút, khách hàng cá nhân có thể đăng ký khoản vay với hạn mức lên tới 100 triệu đồng mà không cần chứng minh thu nhập. Với doanh nghiệp, gần đây, MSB ra mắt sản phẩm số với hạn mức tín chấp lên tới 15 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Giám đốc MSB, chia sẻ: “Số hóa cũng tiết giảm chi phí đáng kể thông qua việc tối ưu hóa quy trình và đẩy mạnh chuyên môn hóa. Mục tiêu MSB đặt ra là duy trì tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế hàng năm đạt 20% - 30% đến năm 2024. Thực tế, MSB ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) của lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2017 – 2021 đạt 136%”.

Nhờ đẩy mạnh đầu tư số hóa đã tác động mạnh mẽ tới tỉ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của MSB cũng liên tiếp tăng. Số dư CASA tăng từ mức 35,8% của cuối năm 2021 lên mức 38,3% tại thời điểm 31-3-2022. Hiện nay, lượng CASA từ khách hàng cá nhân tăng bình quân 400 - 500 tỷ đồng mỗi tháng. Theo ước tính, tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi đến cuối năm tại ngân hàng này sẽ đạt 38% - 40%, tức là 100 đồng tiền gửi vào ngân hàng sẽ có 38 – 40 đồng là tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất vô cùng thấp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm