Nhà thơ Bằng Việt (SN 1941) có đóng góp nhiều công trình khoa học về văn học nghệ thuật cho thành phố Hà Nội như Từ điển văn học I và II, Tổng tập Văn hiến Thăng Long, Tủ sách 1.000 năm Thăng Long; Chủ biên cuốn nghiên cứu về “Kẻ sĩ Thăng Long” và nhiều tập thơ, tác phẩm viết về Thủ đô Hà Nội. Quá trình công tác, ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương chống Mỹ cứu nước, Huân chương Lao động hạng Nhì, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, Giải thưởng văn học ASEAN, Giải thưởng Dịch thuật quốc tế, Giải thưởng về thơ của Hội Nhà văn Việt Nam.
Giáo sư sử học Lê Văn Lan (SN 1936) có nhiều năm làm cố vấn cho các công trình nghiên cứu văn hoá lịch sử Việt Nam. Tính đến nay ông đã có trên 20 đầu sách được in, 150 luận văn khoa học, và khoảng 500 bài viết về lịch sử. Giáo sư cũng là người có đóng góp lớn cho việc UBND thành phố đề xuất UNESCO công nhận Di tích Hoàng thành Thăng Long là Di sản thế giới vào năm 2010. Ông trực tiếp chủ biên, đồng chủ biên nhiều sách công trình khoa học về lịch sử Việt Nam, lịch sử Thăng Long - Hà Nội như: Những dấu vết đầu tiên của thời đại đồng thau ở Việt Nam; Có một giai đoạn văn hoá Hoa Lư; Tìm trong di sản văn hoá Việt Nam Thăng Long - Hà Nội; Lịch sử Việt Nam - hỏi và đáp; Lịch sử Thăng Long - Hà Nội; Di tích lịch sử văn hoá trong khu phố cổ và xung quanh hồ Hoàn Kiếm - Hà Nội...
Bà Chu Anh Đào - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vượt khó Hà Nội, SN 1938. Trong gần 20 năm hoạt động, Quỹ đã tổ chức trao trên 5.700 suất học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo trên toàn quốc với số tiền trên 6,5 tỷ đồng, trao tặng 11 nhà tình thương và xây dựng 1 nhà mẫu giáo. Bà đã vận động sự ủng hộ của nhiều nguồn tài trợ với tổng số tiền đầu tư trên 84 nghìn USD thành lập dự án xây dựng nhà tình thương ReOrient năm 2001 và nuôi 30 cháu mồ côi cha mẹ đến từ nhiều tỉnh trên toàn quốc.
Giáo sư, tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Phạm Gia Khải - Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam (SN 1936). Tên tuổi, cuộc đời và sự nghiệp của giáo sư gắn liền với những thành tựu của ngành tim mạch học Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực tim mạch học can thiệp.
Ông Nguyễn Công Soái - Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội - với trên 33 năm công tác, từ cán bộ cơ sở đến lãnh đạo chủ chốt của thành phố, dù ở cương vị nào, ông cũng luôn thể hiện là tấm gương của người cán bộ tận tụy với nhân dân, Thủ đô và đất nước.
Đại tá Phạm Văn Thịnh, Trưởng phòng Công binh Bộ Tham mưu, Bộ Tư lệnh Thủ đô (SN 1958). Với trên 35 năm tuổi quân, ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các mặt công tác. Đặc biệt trong công tác dò tìm xử lý bom, mìn, vật nổ trên địa bàn Thủ đô còn sót lại sau chiến tranh. Với tinh thần dũng cảm vì sự bình yên của nhân dân, Đại tá Phạm Văn Thịnh cùng đồng đội đã kiểm tra và trực tiếp rà soát bom mìn, vật nổ bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các sự kiện chính trị, văn hóa thể thao và lễ tết diễn ra trên địa bàn.
Ngoài ra có bà Nguyễn Phi Nga - Tổ trưởng sản xuất tổ MT 4 - Chi nhánh Hoàn Kiếm (SN 1961); ông Nguyễn Văn Thanh - Hội viên Hội Nông dân xã Vạn Thái, Ứng Hòa (SN 1963); bà Nguyễn Thị Tiêu - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hà Anh (SN 1943); ông Nguyễn Văn Tỵ - Nguyên Chủ tịch UB MTTQ xã Đông Dư, huyện Gia Lâm (SN 1916).
Theo Quang Phong (Dân trí)