Nhật sẽ tiến hành nâng cấp hệ thống tên lửa phòng thủ Patroit PAC-3 và dự kiến sẽ hoàn thành đúng dịp Nhật đăng cai Thế vận hội Olympic 2020, hãng tin Reuters (Mỹ) dẫn thông tin từ bốn nguồn tin quốc phòng Nhật biết rõ kế hoạch này. “Nâng cấp tên lửa Patriot PAC-3 là cần thiết để đối phó với tên lửa Musudan”, một nguồn tin cho biết. Musudan là tên lửa đạn đạo tầm trung của Triều Tiên.
Tháng 6 vừa rồi Triều Tiên đã thử hai tên lửa Musudan. Vụ thử đầu thất bại. Tên lửa thứ hai được phóng thử thành công với tầm bắn 400 km - hơn nửa đường đến bờ biển phía tây nam của Nhật và đạt độ cao 1.000 km - đủ độ cao để đầu đạn hạt nhân có thể bay xa hơn 3.000 km.
Nhiều chuyên gia nhận định Triều Tiên đã đạt bước tiến lớn về công nghệ tên lửa và không loại trừ phát triển trong chế tạo vũ khí hạt nhân. Tên lửa Musudan được thử thành công đã đưa Triều Tiên tiến gần hơn đến bước lắp đầu đạn hạt nhân và đầu đạn này có thể bay với vận tốc vài km mỗi giây, quá nhanh so với khả năng đánh chặn của tên lửa Patriot PAC-3 của Nhật.
Hai yếu tố được quan tâm nâng cấp hàng đầu là tầm bắn và độ chính xác, cải thiện khả năng đánh chặn của tên lửa Patroit PAC-3 với tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Tầm bắn hiện tại của tên lửa Patriot PAC-3 khoảng 30 km, dự kiến sẽ được nâng cấp lên gấp đôi, theo các nguồn tin.
Hệ thống tên lửa Patriot PAC-3 do Tập đoàn Lockheed Martin Corp (Mỹ) chế tạo, sẽ được công ty quốc phòng Nhật Mitsubishi Heavy Industries (MHI) bắt tay nâng cấp theo giấy phép của Lockheed Martin Corp vào tháng 4 tới.
Hai năm đầu MHI sẽ nâng cấp 24 tên lửa Patriot PAC-3, năm thứ ba sẽ nâng cấp bốn tên lửa Patriot PAC-3 nữa. Những tên lửa bảo vệ thủ đô Tokyo sẽ được ưu tiên nâng cấp trước. Những tên lửa dành cho huấn luyện sẽ không phải nâng cấp.
Binh sĩ Nhật canh gác hệ thống tên lửa phòng thủ đất đối không Patriot PAC-3 được triển khai tại Bộ Quốc phòng Nhật ở Tokyo tháng 12-2012. Ảnh: REUTERS
Sự kiện Nhật giành được quyền tổ chức Thế vận hội Olympic năm 2020 sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình giải ngân cho việc nâng cấp hệ thống tên lửa Patriot PCA-3, theo các nguồn tin này.
Ngân sách quốc phòng của Nhật tài khóa 2017 (bắt đầu từ tháng 4-2017) được đề xuất ở mức 100 tỉ yen (955 triệu USD), đang chờ Quốc hội duyệt.
Bên cạnh đó Nhật cũng đang cân nhắc mua hệ thống tên lửa phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối THAAD, cùng loại với hệ thống mà Mỹ và Hàn Quốc vừa thống nhất sẽ triển khai ở Hàn Quốc.
Tuy nhiên, Reuters nhận định nâng cấp hệ thống Patriot PAC-3 sẽ giúp nâng cao khả năng phòng thủ tên lửa của Nhật hơn, so với thay thế bằng hệ thống THAAD hay một hệ thống tên lửa phòng thủ tương tự nào khác.
Một số tàu khu trục lớp Aegis của Nhật đang tuần tra biển Nhật Bản được trang bị nhiều tên lửa đánh chặn. Nhật mới đây cũng bắt tay vào phát triển một phiên bản tên lửa mới mô phỏng từ tên lửa Standard Missile 3 của Mỹ có khả năng phá hủy đầu đạn hạt nhân gắn trên tên lửa đạn đạo từ trên không.
Đây là lần nâng cấp tên lửa phòng thủ quy mô nhất của Nhật trong một thập niên qua và là một phần kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực, nơi đang gia tăng căng thẳng địa chính trị.
Ngoài vấn đề tên lửa Triều Tiên, an ninh châu Á của là một mối quan tâm của Nhật khi căng thẳng tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật và Trung Quốc ở biển Hoa Đông, cũng như giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN ở biển Đông đang gia tăng. Quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc diễn ra rất nhanh, mà theo Reuters thì Trung Quốc xem đó là chiến lược kiềm chế chiến lược hướng đông của Mỹ.
Quân đội Hàn Quốc hiện đang vận hành hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot thế hệ cũ hơn là PAC-2. Cũng vì lo ngại an ninh Hàn Quốc có kế hoạch thay thế nó bằng hệ thống PAC-3 vào năm 2018, Reuters dẫn lời một quan chức quốc phòng Hàn Quốc. Quân đội Mỹ tại Hàn Quốc cũng có kế hoạch nâng cấp hệ thống tên lửa PAC-3 đủ khả năng bảo vệ thủ đô Seoul của Hàn Quốc.