Ông còn phân tích nếu ngồi nhiều ghế ở những tổ chức, nhất là AFC và AFF thì chẳng qua cũng chỉ để có lợi cho bóng đá Việt Nam vì được gần gũi, nghe ngóng các thông tin từ những tổ chức này, qua đó có lợi cho bóng đá Việt Nam.
“Có lợi và lợi gì?” là một câu hỏi và cần nhìn lại một cách ngóc ngách và thật rõ ràng. Tất nhiên phải thừa nhận với nhau một điều rằng là một lãnh đạo của bóng đá Việt Nam trước tiên thì phải trăn trở hoàn thành và đưa bóng đá Việt Nam, đưa các giải trong nước đi lên cái đã. Còn nếu quan niệm ngồi nhiều ghế quốc tế để bóng đá Việt Nam có lợi thì cái lợi ông Hoài Anh muốn đề cập là cái gì?
Nghe lời giải thích mập mờ trên, nhiều người lại nhớ đến có SEA Games VFF đưa ông Trần Quốc Tuấn làm trưởng đoàn bóng đá với suy nghĩ mà trong nội bộ dặn dò nhau: “Ông Tuấn là ủy viên AFC (thời điểm đó chưa mất chức danh này - NV) nên các trọng tài thấy ông Tuấn làm trưởng đoàn ngồi đấy sẽ ngại đội Việt Nam”.
Đúng là những suy nghĩ kiểu ao làng khi đá bóng mà cứ mong trọng tài ưu ái vì có người nhà làm quan.
Trong khi đó ông Tuấn làm các chức danh của AFF hay AFC lại còn ngốn mất thời gian của Tổng cục TDTT và của VFF khi tối ngày chỉ đi họp và hưởng lương, hưởng chế độ của AFC, AFF chứ có mang lại sáng sủa gì cho bóng đá Việt Nam đâu. Đã thế mới đây vì ông Tuấn mất ghế AFC mà VFF gỡ gạc cho ông Tuấn bằng cách không để ông Dương Vũ Lâm là phó chủ tịch AFF nữa nhằm “nhường” ghế cho ông Tuấn (!?).
Bóng đá Việt Nam mang tiếng có người làm “quan” nhưng chất lượng ngày càng đi xuống và các giải đấu trong nước này càng bất cập rồi đội tuyển kém cỏi thế thì được và lợi ở chỗ nào?
Hãy ngồi ít ghế và thậm chí một ghế mà thôi nhưng hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc thì vẫn là điều người hâm mộ mong muốn.
Hãy học cựu Tổng thư ký LĐBĐ Thái Lan Ong Kosinkar bỏ ghế quan chức mà qua Anh nếm mật nằm gai suốt vài năm để về chấn chỉnh giải vô địch Thái thành số 1 Đông Nam Á và có hạng ở châu Á.
Nhận xét của ông Hoài Anh về “sếp” mình khiến nhiều người có chuyên môn nghĩ rằng “nồi nào vung đó”.