Nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư

Sáng qua (6-6), tại Sa Pa (Lào Cai), Hội nghị giữa kỳ Nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) đã khai mạc dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc và Quyền Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Martin Rama. Những diễn biến gần đây của nền kinh tế Việt Nam và các giải pháp khắc phục là một nội dung trọng tâm của hội nghị lần này.

Chắc chắn sẽ vượt qua khó khăn

Tham dự và phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cho biết Việt Nam đã phải đối mặt những khó khăn, thử thách rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng khẳng định với tám nhóm giải pháp đưa ra, chắc chắn Việt Nam sẽ vượt qua mọi khó khăn để ổn định và tiến lên trong thời gian tới. “Việt Nam luôn mong muốn và hoan nghênh các nhà tài trợ đã và sẽ mở ra thêm nhiều kênh hỗ trợ mới với quy mô vốn to lớn hơn” - ông Trương Vĩnh Trọng nói.

Chia sẻ với Phó Thủ tướng Việt Nam, ngài James Adam, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), nhận định tình hình kinh tế Việt Nam so với sáu tháng trước đang có nhiều thách thức. Tỷ lệ tăng trưởng vẫn duy trì ở mức cao nhưng chính phủ Việt Nam đang gặp phải một số vấn đề như thâm hụt thương mại, lạm phát. “Chúng tôi hy vọng sẽ trao đổi vấn đề này để giúp Chính phủ đương đầu với những thách thức và đưa ra những chương trình hữu hiệu”.

Không dừng các dự án có vốn ODA

Một trong những vấn đề được các nhà tài trợ quan tâm vẫn là hiệu quả đầu tư từ các nguồn vốn viện trợ và vốn vay. Cạnh đó là việc có hay không cắt giảm các dự án đầu tư có vốn ODA trong năm 2008. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết: Tính cả trái phiếu chính phủ và các nguồn ngân sách thường xuyên, tổng vốn đầu tư đã cắt giảm là 14 ngàn tỷ đồng so với con số 135 ngàn tỷ đồng kế hoạch đầu tư của Chính phủ trong năm nay. Tuy nhiên theo ông Phúc, hiện Chính phủ đang nghiên cứu để chuyển một số công trình đầu tư từ nguồn vốn ngân sách sang hình thức đầu tư BOT, từ nguồn vốn trong và ngoài nước hoặc bán, chuyển nhượng công trình có khả năng thu hồi vốn cho doanh nghiệp, tư nhân khai thác hoặc đầu tư trực tiếp để nâng cao hiệu quả đầu tư.

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Hồ Quang Minh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại - Bộ Kế hoạch đầu tư, nói rằng quan điểm của ông là những dự án ODA đã được Chính phủ và các nhà tài trợ cam kết thì phải được tập trung triển khai nhanh, đúng tiến độ để tăng hiệu quả đầu tư. Năm 2008, dự kiến sẽ giải ngân từ 2,5 đến ba tỷ USD. Riêng trong năm tháng đầu năm nay, Việt Nam đã giải ngân được 40% con số dự kiến này. “Nhưng cũng phải thừa nhận các dự án có khó khăn ở hai điểm là vốn đối ứng và vấn đề trượt giá” - ông Minh nói.

Chuyên gia kinh tế trưởng UNDP Jonathan Pincus:

Vấn đề nằm ở những dự án triệu đô

Chính phủ nên lập danh sách 100 dự án đầu tư lớn nhất. Nhìn vào danh sách đó, Chính phủ sẽ xác định ra đâu là dự án kém hiệu quả, đâu là dự án chưa thật cần thiết vào thời điểm này. Từ danh sách 100 dự án đó, Chính phủ có thể tìm ra 10 dự án có thể tạm ngưng, từ đó có khoảng hai tỷ USD.

Hiện nay, Chính phủ đang yêu cầu các tỉnh tự lập danh sách các dự án sẽ tạm hoãn. Chắc chắn các tỉnh sẽ không tự nguyện cắt các dự án đầu tư công lớn mà chỉ cắt những dự án nhỏ, những dự án đầu tư cho giáo dục, những con đường nhỏ. Trong khi đó, chúng ta lại cần cắt những dự án lớn, dự án triệu đô, không phải là một trường học, một đoạn đường nhỏ...

Không nhất định phải xóa bỏ dự án mà đơn thuần là tạm hoãn. Chúng ta sẽ trở lại những dự án này khi tình hình khá hơn.

(Theo VNN)

Trước khi bế mạc vào lúc năm giờ chiều qua, hội nghị đã thảo luận hàng loạt chủ đề như: Tình hình phát triển kinh tế vĩ mô, điều chỉnh các ưu tiên của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và các ảnh hưởng đối với người nghèo và người bị thiệt thòi; báo cáo từ diễn đàn doanh nghiệp; chống tham nhũng; tình hình phát triển các tỉnh miền núi phía bắc và hiệu quả viện trợ...

LÊ KIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm