Nhiều giải pháp xử lý tận gốc nhà xây lụi

Đến nay TP.HCM có đến hàng trăm căn nhà không phép đã bị tháo dỡ, còn lại khoảng chừng con số ấy sẽ phải tiếp tục xử lý. Tính trung bình mỗi căn nhà chừng 100 triệu đồng thì cũng gần cả 100 tỉ đồng tan thành tro bụi. Một số tiền quá lớn đối với những người nghèo mà đa phần trong số họ là người lao động phổ thông nhập cư - sau nhiều năm dè sẻn để thực hiện mơ ước cả đời là “an cư lập nghiệp” ở nơi được gọi là “đất lành chim đậu”...

Đó thực sự là một thất bại lớn của quản lý nhà nước cùng với nỗi đau xót của người dân.

Chủ tịch phường thiếu thực quyền

Nhìn vào bản chất sâu xa của sự việc chúng ta sẽ thấy một lỗ hổng lớn trong hệ thống nhà nước ở đô thị. Lâu nay việc quản lý đất đai, quản lý quy hoạch-kiến trúc và quản lý xây dựng ở cơ sở được coi là nhiệm vụ của cán bộ cấp phường. Khoản 1 Điều 10 Nghị định 180 (năm 2007) quy định chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn được quyết định đình chỉ thi công xây dựng; quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm theo thẩm quyền; chịu trách nhiệm về tình hình vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn... Chính vì điều khoản này mà các vị lãnh đạo cấp phường, xã hiện đang phải giơ đầu ra hứng toàn bộ trách nhiệm thay cho các cơ quan chức năng.

Nhiều giải pháp xử lý tận gốc nhà xây lụi ảnh 1

Cao ốc Bảo Việt trên đường Đồng Khởi, tòa cao ốc BMC trên đại lộ Võ Văn Kiệt… đều được hợp thức hóa từ sai thành đúng. Ảnh: Minh Hiếu

Theo tôi, đúng là ông chủ tịch phường có lỗi nhưng đổ hết cho họ là không ổn. Cho dù họ mẫn cán, công minh nhất cũng không thể làm gì được trước tình trạng này bởi họ chỉ được phân cấp mà không có phân quyền và thực quyền, không có bộ máy và công cụ hỗ trợ. Họ cũng chỉ làm báo cáo, đề xuất lên cấp trên và chờ đợi. Họ không dễ gì ra quyết định phạt, mà ra được quyết định phạt và cưỡng chế thì có khi còn lôi thôi hơn bởi chuyện đó liên quan đến công an, tài chính, tòa án mà chưa chừng còn bị kiện ra tòa, cho nên không phải thấy đào móng nhà là phạt được ngay. Hơn thế nữa những người xây nhà không phép nói cho cùng cũng là người bà con lối xóm “sáng chạm mặt, chiều chạm mũi” không phải không có tình trạng nể nang nhau. Bản thân lực lượng thanh tra xây dựng cấp phường khi còn tồn tại cách nay mấy tháng cũng hoạt động không có hiệu quả bởi quyền hạn ít, năng lực hạn chế...

Rạch ròi quản lý hành chính và xây dựng đô thị

Ở các nước khác, bộ máy quản lý cấp phường, xã là bộ phận được ủy quyền quản lý hành chính nhà nước theo địa bàn. Đây thực chất là cơ quan quản lý hành chính, họ chỉ làm các việc quản lý liên quan đến hành chính như khai báo sinh, tử, nhập, xuất cư, tạm trú, giữ gìn vệ sinh môi trường, an sinh xã hội, chứng thực giấy tờ… còn việc quản lý quy hoạch - xây dựng, an ninh trật tự được giao cho những bộ phận chuyên trách của thành phố. Đó là những đơn vị chức năng, có đội ngũ cán bộ được đào tạo chuyên nghiệp, có quyền lực, có quyền huy động các lực lượng liên ngành tham gia, có công cụ mạnh, có phương tiện kỹ thuật hỗ trợ (máy móc, xe cộ) cho phản ứng nhanh, có tài chính. Lực lượng này thường là cảnh sát môi trường (ở nhiều nước việc quản lý môi trường sống bao gồm môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo được giao cho cảnh sát môi trường như ở Hàn Quốc, Philippines); cảnh sát trật tự xã hội, thanh tra xây dựng (chỉ có ở cấp thành phố như ở Trung Quốc).

Lực lượng này can thiệp ngay lập tức sau khi nhận được thông báo của địa phương, bóp chết ngay từ trong trứng nước những hành vi sai trái, không để tình trạng thỏa hiệp “bầy đàn” và “tiêu cực dây chuyền” xảy ra. Những người có ý đồ xấu, các quan tham nhũng, các “cò” và bản thân người dân cũng hiểu là không thể kiếm chác được gì trong chuyện này nữa.

Việc vắng bóng lực lượng thanh tra xây dựng cấp phường tại cơ sở trong hơn bốn tháng qua cho thấy sự nhận thức chưa tới và hành động chưa kín kẽ của lãnh đạo sở, ngành, góp phần tạo cơ hội cho lực lượng “âm binh” trỗi dậy mạnh mẽ. Hy vọng trong mô hình chính quyền đô thị của TP.HCM tới đây, việc xác định chức năng rõ ràng và cách thức phối kết hợp giữa quản lý địa bàn và quản lý chức năng theo ngành dọc sẽ được thực hiện tốt hơn, lực lượng thanh tra thuộc Sở Xây dựng được chuyên nghiệp hóa hơn. Khi đó các tiêu cực trong lĩnh vực môi trường, xây dựng, an ninh trật tự sẽ được tiết giảm và xóa bỏ hoàn toàn.

Không thể thỏa hiệp cho hợp thức hóa

Hiện tượng xây dựng không phép đã diễn ra khi âm ỉ, khi bùng phát cách nay hơn 15 năm ở nhiều nơi. Do cách hành xử không đúng của cơ quan công quyền, khi thì cứng quá (nhưng không duy trì liên tục), khi thì lại mềm oặt trên tinh thần thỏa hiệp cho nên đưa đến “cái sảy nảy cái ung”. Vòng tua diễn ra lâu nay thành truyền thống là xây cất vi phạm -> phạt, cho tồn tại -> hợp thức hóa. Chuyện này không chỉ ở ngoại thành mà ngay cả ở trung tâm thành phố với những tòa nhà to hơn cái đình, cao hơn ngọn cây đa. Tỉ dụ như cao ốc Bảo Việt trên đường Đồng Khởi, tòa cao ốc BMC trên đại lộ Võ Văn Kiệt… đều được hợp thức hóa từ sai thành đúng.

Chính điều đó đã thúc đẩy người dân, các chủ thầu xây dựng cò con, các cò đất và cả quan chức địa phương rơi vào tâm lý đám đông, hùa nhau làm cho dù biết sai mười mươi. Kết cục là chủ thầu được hưởng lợi, cò rủng rỉnh tiền, quan chức có chút lộc còn người bị giáng đòn chính là người nghèo nhẹ dạ cả tin.

TS NGUYỄN MINH HÒA

TS NGUYỄN MINH HÒA, khoa Đô thị học, Trường ĐH KHXH&NV

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.