Nhớ bến sông, nhớ những 'bà rẩu' bán cá siêu liều ở quê

Từ cửa biển Đề Gi, hừng đông vừa ló dạng, người kề bên nhìn còn chưa tỏ mặt nhau, ghe thuyền đi biển chiều một đã bắt đầu về bến. Nhả khỏi đen, rồ ga, các ghe trực chỉ về hướng trạm biên phòng để xuất trình sổ và chạy nhanh về bến bán cá. Nhìn từ xa, nẫu có thể đón được ghe nào có nhiều cá, ít cá, hoặc không có cá.

Những tháng hè, nhất là mùa có cá cơm hay mùa gió Nam, mùa có cá nục dời (nục đỏ đuôi) thì cảnh mua bán cá sẽ diễn ra tấp nập nhất, xôm tụ nhất, khuấy động cả một bến sông. 

Từ giữa cửa biển, nơi có dòng nước chảy xiết, nhiều chị em đã sáng tạo, chơi chiêu bơi thuyền thúng ra tận cửa biển để đón bắt những chiếc ghe trúng cá, kiểu như đón lỏng, vì nếu cứ chờ ghe vào bờ thì không còn tranh mua được cá tươi, mực tươi... với đám bạn buôn.
Ghe thuyền vẫn đang chạy ào ào vào bờ, tiếng máy nổ đùng đùng nghe rất chát tai, những chiếc thuyền thúng vẫn đang trôi theo con nước, lần lượt trôi qua ghe, rớt lại phía sau... kiểu như bị bỏ rơi.

Nhận ra một ghe có cá, người phụ nữ liên tục sải mái dầm, chèo rất gấp, để chiếc thúng của mình có thể tiếp cận được chiếc ghe theo hướng gần nhất. Chiếc ghe vẫn giữ một mức ga, nhắm thẳng hướng trạm biên phòng, không đoái hoài gì đến các chiếc thúng bên dưới. Người phụ nữ hì hục sải dầm để áp sát chiếc ghe. Thoắt 1 cái, chị đã chụp được thành ghe, cố bám, ôm riết thành ghe, lấy thế, chị nhảy phóc lên gọn gàng như một chú sóc chuyền cành. Lẹ làng cột dây thúng vào cọc chèo, người phụ nữ chào hàng rất nhanh: “Có bao nhiêu mực bán hết cho chị nha”. Cánh đàn ông đi biển trên ghe nhìn chị em liều lĩnh với con mắt thương cảm nhiều hơn là thán phục...

Những chiếc ghe có cá vừa cập bến, đậu san sát, kín cả bến sông quê, ghe trên ghe dưới, ghe lớn ghe nhỏ, mạnh ai nấy buông neo, hò hét, hô hào, trông rất lộn xộn nhưng lại rất quy cũ (vì lựa chỗ đậu không đúng, buông neo trật nhịp là ghe sẽ trôi và va chạm vào ghe khác ngay lập tức).

Từng tốp người chờ mua cá đợi sẵn dưới thúng, tranh nhau leo lên ghe, trả giá, giành cá, mua cá. Lô nhô, lớp thấp lớp cao. Cãi cọ có, tranh giành có, đôi khi giành đến mức cãi lộn, ném cả cá, quăng cả rổ vào mặt nhau, đập rổ lên đầu, túm tóc, xé áo nhau, xỉa xói nhau là chuyện như cơm bữa... Rồi mọi tranh cãi cũng được giải quyết nhanh gọn, bỏ qua những cãi cọ, thuận mua vừa bán, cho con cá tươi kịp vào đôi gánh, lên xe thồ, rồ ga cho kịp buổi chợ sớm mai.

- “80 ngàn 1 kết, nhan”- một “bà rẩu” ra giá cho một kết cá nục.
Hông chị, 90 ngàn chị.
- Thôi cá hơi ương rồi, 80 đi…”
Cá gì ương bà nậu, mới đánh giác hừng đông xong… (giọng nẫu đặc sệt)
- Thôi, vậy đi, 85 ngàn 1 kết đi.
Mọi thứ chóng vánh, được giá là chốt ngay, thuận mua vừa bán. Trời thương cho thêm mẻ cá mới, người dân biển rất xởi lởi khi cá tôm đầy thuyền. Với họ, có kè một hai giá không bằng mua bán nhanh chóng, tiền tươi thóc thật...


Ngoài người mua cá, cũng có nhiều cụ, nhiều dì đứng xung quanh để xin cá. Người đi biển hay có câu: "Xởi lởi trời cho/Bo bo trời lấy hết" nên dường như không ai ki bo, tính toán khi trúng cá, họ sẵn sàng cho cả rổ cá cơm, hoặc cặp cá nục dời để hàng xóm có cá nấu cơm ăn.

Những mẻ cá tươi xanh hốt nhanh từ dưới hầm, vác lên từng kết, trắng nõn, chị em đổ nhanh vào rổ sàn rồi chuyển ngay xuống chiếc thúng chờ sẵn bên hông ghe. Đủ mười kết cá, người phụ nữ luống tuổi, da hơi xạm đi vì nắng gió, tiếng nói khàn đi, sải vội mái dầm để bơi thúng cá vào bờ.
Những “bà rẩu” còn lại, tiếp tục chuyển cá xuống thúng cho mình… Cứ thế, sau chừng một giờ, vài tấn cá sẽ được xúc đầy cho những “bà rẩu”.
Nhiều thúng cá hơi đầy, khi gần tới mé nước, người phụ nữ phải bỏ dầm, nhảy xuống nước, kéo hự hự thêm mấy cái, chiếc thúng mới cập vào bãi cát.
Chiếc rổ xảo xắn ngọt vào đống cá, xúc đều tăm tắp đổ cá vào hai chiếc giỏ lớn đã chờ sẵn bên chiếc xe thồ. Người chồng chạy xe thồ phụ sắp cá vào rổ, che bạt nhựa, lắc đều tay, riết dây thừng, cột thật chặt hai rổ cá vào cây đòn gánh.
Những rổ cá còn dư được đổ nhanh xuống những mảnh bạt nhựa trải tạm dưới đất. Người phụ nữ lại nhanh nhảu sải dầm, bơi ra ghe, chở tiếp thúng cá thứ hai.
Nhiều con cá bị rơi ra bãi đất, người chồng nhặt nhanh tay, cho vào rổ, bưng ra mé nước, trán đều, sảy cá cho sạch những lớp cát còn dính lại.

Đon đả mời chào, tất tả trả giá, mọi thứ diễn ra rất nhanh gọn...

Xe nổ máy, người phụ nữ đội chiếc nón cời măn mẳn vị nước mặn, da tay đóng đầy vẫy cá, bắt chân ngồi gọn ơ giữa hai rổ cá. Trên bộ đồ thun mỏng còn dính đầy những vảy cá màu trắng, thoáng một chút mùi tanh… Họ vù chạy, cho kịp phiên chợ quê...
Ghe bán xong cá thì các bạn ghe tranh thủ múc nước xối ghe, rửa hầm, giặt kết. Thao tác nhanh gọn, làm ầm ầm như họ đang quánh lộn,... Nẫu tranh thủ làm cho xong để vào tắm, đi ăn sáng, uống ly cafe đen và xem tiếp bộ phim quán cafe đang chiếu dở...
Một cuộc đi biển chiều một lại bắt đầu từ khoảng 4-5h và chở cá vào lúc hừng đông ngày mai... Lỡ hôm đó ghe không có cá thì họ vào bờ ăn sáng, đi cafe và xem phim sớm hơn. Cứ thế, ngư dân quay quắt cũng hết một đời đi biển...

(*) Đề Gi cách trung tâm thành phố Quy Nhơn 52km, thuộc xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, Bình Định. Nơi đây là một vịnh kín với nhiều tên gọi khác nhau như vịnh Đề Gi, cửa Đề Gi hay Đầm Đề Gi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới