Nhờ búp bê “thủ thỉ” văn hóa, truyền thống

Sáng nay (7-9), tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội) sẽ khai mạc triển lãm Art Doll: Thủ Thỉ của nghệ sĩ Trần Thu Hằng. Không chỉ là triển làm cá nhân đầu tiên của chị, đây còn là triển lãm Art Doll (Búp bê nghệ thuật) đầu tiên của Việt Nam. Bởi Trần Thu Hằng là nghệ sĩ tiên phong trong việc biến búp bê thành tác phẩm nghệ thuật.

Biến đồ chơi thành nghệ thuật

Búp bê nghệ thuật vốn không phải là thuật ngữ xa lạ. Hầu như ai cũng từng thấy những con búp bê len để gắn chìa khóa, búp bê với trang phục áo dài làm quà lưu niệm cho du khách nước ngoài... Xa hơn là nước Nga với búp bê Matryoska; nước Nhật với cả một nền văn hóa lễ hội búp bê (Hina Matsuri)...

Như bao đứa bé khác, thuở nhỏ Trần Thu Hằng cũng thích chơi búp bê và lớn lên với sở thích tự làm đồ chơi, kể cả búp bê. Hằng kể: “Ngày nhỏ, nhìn thấy bất cứ cái gì trong đời sống thật tôi cũng liên tưởng đến việc sẽ làm ra món đồ chơi hệt như vậy”.

Lớn lên, Thu Hằng chọn ngành hội họa tại Trường ĐH Mỹ thuật VN. Một ngày, xem triển lãm búp bê Nhật Bản, niềm đam mê búp bê chợt trỗi dậy mãnh liệt nơi cô. “Trong tâm thức của mỗi đứa trẻ, búp bê luôn gắn với những ký ức sống động. Xem triển lãm tôi mới thấy không chỉ con nít mới thích búp bê. Từ đó, thay vì vẽ tranh tôi làm búp bê để kể chuyện đời sống hằng ngày như tôi vẫn thấy. Cũng từ đó, mỗi con búp bê là một tác phẩm trong hành trang sáng tác của tôi” - Thu Hằng nói.

Vậy là những con búp bê gắn với cuộc sống của chị từ năm 2006 đến nay, đem đến cho chị biệt danh “Hằng Búp bê”, “Hằng Gà Doll”. Trên trang mạng cá nhân của mình, Thu Hằng thường kể những câu chuyện búp bê với ngôn ngữ thật dễ thương. Từ những cảm xúc hồn nhiên khi làm sản phẩm đầu tiên - con ngựa gỗ - hay chú thích cho những tác phẩm khác “Cứ bắc thang lên trời là hái được cả rổ sao…”, “Em cá ơi, đến giờ đi ngủ rồi” đều được viết với ngôn từ trong trẻo như của một đứa trẻ.

Nhờ búp bê “thủ thỉ” văn hóa, truyền thống ảnh 1

Nghệ sĩ Trần Thu Hằng trong quá trình thực hiện niềm đam mê của mình. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Kể chuyện cổ tích bằng búp bê

Những con búp bê để Hằng kể câu chuyện của mình thường được làm từ gỗ thông, gần đây có thêm chất liệu sứ. Mỗi con ngốn mất của cô từ một tuần đến hai tháng. Như trong tám tác phẩm mới tại triển lãm Art Doll: Thủ Thỉ, có tác phẩm chị phải dùng tới 14 con búp bê gỗ để kể chuyện. Thế nhưng với niềm vui có một triển lãm đầu tay để giới thiệu rộng hơn đến công chúng về búp bê nghệ thuật, Thu Hằng đã hoàn thành tám tác phẩm trên chỉ trong vòng hai tháng.

Vốn học hội họa, Thu Hằng vẫn thường vẽ tranh minh họa cho truyện tranh cổ tích của các nhà xuất bản. Từ kể chuyện cổ tích Việt Nam bằng tranh, Thu Hằng ấp ủ dự định thể hiện những câu chuyện cổ tích Việt Nam bằng búp bê. “Tôi không thích búp bê chỉ minh họa văn hóa qua trang phục truyền thống. Búp bê phải thể hiện được cả đặc trưng văn hóa qua nét mặt và tổng thể bối cảnh đặt búp bê vào” - chị bày tỏ.

Có lẽ vì thế mà những tác phẩm của Thu Hằng đều được nữ chủ nhân đặt trong bối cảnh văn hóa dân gian như làng quê, ruộng lúa; bên cạnh những vật dụng hằng ngày là gốm Bát Tràng... Thu Hằng cũng đang ấp ủ kế hoạch làm các sản phẩm búp bê lưu niệm bằng chất liệu nhựa composite hoặc sứ để kể câu chuyện văn hóa dân tộc.

Nghệ thuật nuôi dưỡng cuộc sống

Không chỉ làm búp bê, Thu Hằng còn tỉ mẩn làm cả trang sức lẫn vật dụng sinh hoạt hằng ngày cho búp bê của mình như khuyên tai, chai nước hoa, chén uống trà, xe đạp... dù có vật chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay. Có lẽ nhờ chú ý đến cả những chi tiết, ngóc ngách của cuộc sống nên khi làm nghệ thuật, chị vẫn khá thực tế khi nhận ra thị trường chưa sẵn sàng mua búp bê của mình như một tác phẩm nghệ thuật.

Và dĩ nhiên, ai cũng sẽ thắc mắc suốt ngày làm búp bê thì Thu Hằng sống bằng gì. Chị bộc bạch: “Cũng như những nghệ sĩ búp bê khác, tôi muốn mang đến cho búp bê tiếng nói, để chúng mang mọi người tới một không gian chỉ có những tiếng thủ thỉ của búp bê. Những điều búp bê muốn nói cũng là những suy nghĩ của tôi… Do mỗi con búp bê gỗ là một tác phẩm nghệ thuật, là sự sáng tạo nên tôi không muốn bán để phục vụ kinh tế. Tuy nhiên, tôi cũng có những con búp bê phục vụ cho việc nuôi sống bản thân”. Vì thế, Thu Hằng dành riêng sản phẩm búp bê bằng silicon cho việc kinh doanh. Với búp bê silicon, cô thực hiện một con mỗi tháng và bán với giá khoảng 500 USD/con. Thu Hằng chỉ mới nhận đơn đặt hàng từ đầu năm 2011 và cô đã thực hiện được khoảng 10 con búp bê bằng chất liệu này.

“Hầu hết khách đặt hàng qua mạng, các bạn thường gửi ảnh của mình tới đặt tôi làm búp bê. Thật ra, tôi vẫn muốn được gặp nhân vật của mình để quan sát. Được vậy, tác phẩm sẽ có hồn và giống thật hơn” - Thu Hằng bày tỏ.

Tuy nhiên, dù để sáng tạo hay để kiếm sống, với sở thích chơi với trẻ con và tâm hồn thơ trẻ, chị vẫn luôn muốn tạo ra những con búp bê trẻ con. Và đứa trẻ đó luôn phải vui. “Trẻ con và hài hước là hai yếu tố tôi luôn chọn để đưa vào tác phẩm của mình” - Thu Hằng nói.

Câu chuyện văn hóa Việt-Nhật qua búp bê

Art Doll: Thủ Thỉ của Trần Thu Hằng là triển lãm đầu tiên trong dự án Young Talent Series (dự án Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam) của Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam. Thông qua dự án này, trung tâm mong muốn tạo cơ hội cho các nghệ sĩ trẻ Việt Nam hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo bằng triển lãm cá nhân đầu tiên trong sự nghiệp của họ.

Nhờ búp bê “thủ thỉ” văn hóa, truyền thống ảnh 2

Câu chuyện văn hóa Việt-Nhật được Thu Hằng kể qua búp bê và không gian sinh động. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Triển lãm diễn ra đến hết ngày 7-10. Ngoài các tác phẩm búp bê được thực hiện từ năm 2007-2009 để kể các câu chuyện trong đời sống hằng ngày, Thu Hằng sẽ giới thiệu thêm tám tác phẩm mới. Các tác phẩm này tái hiện những nét văn hóa của Việt Nam và Nhật Bản. “Tôi hy vọng xem tác phẩm, người xem sẽ thấy được những khác biệt văn hóa của hai nước. Tôi không thích nhận diện búp bê của từng quốc gia qua trang phục của chúng mà chú trọng nhận diện qua nhân trắc như vẻ mặt, hành động…”  - Thu Hằng chia sẻ.

QUỲNH TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm