Cho đến khi không còn cách gì chối cãi cái tội “đạo” thơ, cô mới chính thức xin lỗi nhà thơ Thường Đoan, thừa nhận sáng tác bàiBạch lộ sau bài Buổi sáng và khẳng định sẽ tiêu hủy bài thơ của mình trong lần in sau.
Thư xin lỗi mà đọc thấy mắc cười, thất vọng làm sao! Bài thơ cóp sao lại gọi là sáng tác? Phải gọi là “tối tác” mới đúng! Lại còn bảo sẽ tiêu hủy bài thơ của mình? Sao gọi là “thơ của mình” khi chép của người khác? Trong thư xin lỗi, Huyền Thư còn viết: “Mong chị chấp nhận lời xin lỗi để lương tâm chị được thanh thản” và mong hai tác giả cùng vượt qua thời khắc tồi tệ và có thể tiếp tục sáng tác. Nghe rất buồn cười, bởi người “đạo” thơ mới bị lương tâm (nếu có) cắn rứt và cần vượt qua thời khắc tồi tệ chứ sao người bị “đạo” thơ lại phải vượt qua? Có vẻ như cô nhà thơ này bị khủng hoảng nặng. Và nếu cô vượt qua được, rồi tiếp tục làm thơ, liệu người đọc có còn tin tưởng đọc thơ cô khi “cái sẹo” quá lớn này không dễ gì phai mờ trong tâm thức những người yêu thơ?
Chuyện “đạo” văn, “đạo” thơ ở nước ta những năm gần đây liên tục xảy ra. Nhiều sách biên khảo“xào nấu”, thậm chí chép nguyên xi nhiều đoạn, nhiều chương các công trình biên khảo nghiêm túc của các tác giả uy tín. Hoặc những người “cầm nhầm” thơ, truyện người khác thường chỉ là những em học sinh, sinh viên không có năng khiếu viết lách nhưng muốn nổi tiếng - ít ra với bạn bè - bởi các em đã quen việc thầy cô dạy văn khuyên chép những bài văn mẫu; hoặc những kẻ thích văn chương nhưng bất tài lại muốn nổi tiếng bằng… tài năng kẻ khác! Vì họ là những kẻ vô danh nên nếu bị phát hiện thì bất quá tòa báo công bố hủy bỏ “tác phẩm” ấy và họ biến khỏi văn đàn thôi. Thế nhưng trường hợp Phan Huyền Thư, một tác giả thơ đã có hơn 20 năm cầm bút, có một vài tác phẩm được nhiều người biết đến lại đi làm cái chuyện “đạo” thơ đã làm nhiều người - nhất là trong giới cầm bút quá bất ngờ, thất vọng và cả đau xót.
Trong giới sáng tác (nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ…) nếu chỉ cần ai đó bảo rằng bài thơ của ông có hơi hướng bài thơ nổi tiếng nọ; hoặc truyện ngắn của bà na ná một đoạn truyện của nhà văn lừng danh kia; hay khúc nhạc này nghe ngờ ngợ bài hát nọ… thì những tác giả đó đã cảm thấy bị xúc phạm rồi. Bởi lòng tự trọng và tự ái của người sáng tạo to bằng… trời - nói theo cách ví von của nhà văn quá cố Võ Hồng: “Nhà văn như ông trời. Bởi nhà văn muốn nhân vật chết là cho chết, muốn cho sống thì sống!”. Tuy vậy nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ cũng có khi chịu ảnh hưởng một tác giả mà mình yêu thích. Nhưng nếu ảnh hưởng thì chỉ ảnh hưởng phong cách hành văn hoặc một ý thơ, một nhịp điệu thôi…